Sau giải cứu, giá heo lại sốt
Giá heo tăng cao như hiện nay là do nguồn cung thiếu hụt và một lượng lớn được xuất bán cho thị trường Tết Campuchia
Người nuôi heo đang rất vui do lãi đến 7.000 đồng/kg. Tuy giá heo tăng cao nhưng những người nuôi nhỏ lẻ lại không có heo để bán vì họ đã sớm bỏ cuộc. Hiện phần lãi này rơi vào các trang trại lớn, công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Không còn heo để bán
Thời gian qua, giá heo dưới giá thành chăn nuôi so với mặt bằng chung nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn hoạt động bình thường, thậm chí tăng đàn. Họ vẫn duy trì đàn nái, heo đẻ ra không tiêu thụ được vẫn giữ lại nuôi nhờ có lợi thế khép kín quy trình từ sản xuất thức ăn, con giống, tổ chức chăn nuôi cho đến giết mổ, chế biến nên họ không phải lo lắng quá nhiều việc lời lỗ. Nay giá heo tăng mạnh, những doanh nghiệp này hưởng lợi nhuận cao.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhìn nhận giá heo trong tuần qua tăng liên tục, có ngày tăng 2 mức giá. Trước đó, ngày 9-4, giá heo bán tại chuồng 34.000 đồng/kg, hôm sau vọt lên 36.000 đồng, ngày 11-4 lên tiếp 37.500 đồng, ngày 12-4 là 38.500 đồng và 13-4 nhảy lên 40.000 đồng/kg. "Đó là giá bán tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, còn giá tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải 42.000 đồng/kg" - ông Đoán nói.
Giới chăn nuôi heo nhận định giá heo sẽ tiếp tục tăng. Ông Trần Quang Trung - chủ trại chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai - cho biết tại khu vực này, sau vụ "giải cứu", số người nghỉ nuôi heo và giảm đàn chiếm đến hơn 80%. Do đó, khi giá lên, ai cũng tiếc hùi hụi. Trước đây, nuôi 1.600 con heo, do giá bán không đủ bù đắp chi phí nên ông Trung phải giảm còn 1.000 con.
Ông Ngô Thanh Tùng, một hộ nuôi heo ở Bình Phước, nhận định chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ mới dám giữ heo chờ giá, còn những người nuôi heo quy mô lớn thì không dám. Heo đến lứa là phải xuất bán ngay, nếu không, chi phí thức ăn hằng ngày rất tốn kém, vả lại heo có trọng lượng lớn rất khó tiêu thụ, chỉ bán cho Trung Quốc nhưng gần đây không xuất sang thị trường này được.
Nhiều người chăn nuôi đã bỏ chuồng cho rằng tuy có tiếc nhưng họ không thể cầm cự được cho đến thời điểm này. Ông Nguyễn Minh Thành (ngụ huyện Hố Nai, tỉnh Đồng Nai) thừa nhận trước đây, ông nuôi hàng ngàn con nhưng do không có lãi phải bán chuồng trại để trả nợ ngân hàng. "Nếu duy trì đàn heo đến thời điểm này, không biết tôi còn nhà để ở hay không" - ông Thành bộc bạch.
Còn ông Lê Quang Hướng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết đã nghỉ nuôi heo từ giữa năm ngoái vì lỗ hết vốn. Trước đây, ông nuôi hơn 100 con, mỗi ngày tốn gần 2,5 triệu đồng thức ăn chăn nuôi, trong khi giá bán lúc đó chỉ quanh mức 25.000 đồng/kg, có lúc còn 18.000 đồng nhưng thương lái vẫn không mua. Nay giá tăng, nhiều người cũng muốn quay lại nuôi heo nhưng không biết giá này kéo dài được bao lâu hay sau một thời gian ngắn lại quay đầu giảm sâu.
Khắp nơi giảm đàn
Ông Võ Thế Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp, xác nhận thời gian qua, địa phương này thiếu heo trầm trọng, thương lái phải sang các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long mua vài ngàn con mỗi ngày về giết mổ, cung cấp cho thị trường.
Theo ông Hiền, trước đây, việc nuôi heo rải khắp tỉnh, sau đó giá sụt giảm mạnh nhưng người nuôi vẫn cố gắng cầm cự nên trong năm 2017, trên địa bàn vẫn duy trì 150.000 con. Từ cuối năm 2017, giá bán heo vẫn thấp hơn giá thành nên nhiều người phải bỏ nghề. Do đó, đàn heo của tỉnh hiện còn khoảng 60.000 con, tập trung tại TP Sa Đéc và huyện Châu Thành, còn những huyện khác thì rất ít người nuôi.
Tương tự, đàn heo nhiều địa phương khác cũng giảm mạnh, có nơi giảm hàng chục ngàn con. Đồng Nai hiện còn khoảng 1,7 triệu con, trong khi năm 2016 có đến 2,1 triệu con; Tiền Giang trước đây hơn 600.000 con, nay còn khoảng 550.000 con; Bến Tre năm ngoái còn 702.000 con, nay giảm còn 600.000 con; Long An trước đây 250.000 con heo, hiện còn chưa tới 200.000 con.
Giới chuyên môn đánh giá việc tăng đàn trở lại là rất khó. Muốn tăng đàn, phải có con giống đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, 2 năm qua, do giá heo xuống quá thấp nên nhiều người nuôi heo nái đẻ phải giảm đàn, thậm chí bỏ nghề. Nay giá heo tăng cao, nhu cầu nuôi trở lại tăng theo, trong khi nguồn cung con giống lại đang thiếu hụt.
Giá heo giống tăng mạnh
Trước đây, giá heo giống tính theo trọng lượng, từ khi giá heo giảm mạnh thì tính theo con nhưng cũng không có người mua. Sau khi giá heo tăng trở lại, giá bán heo giống lại tính theo trọng lượng. Năm 2017, giá một con heo giống 20 kg chỉ 200.000 đồng, nay lên đến 1,4 triệu đồng/con.