Sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, heo lớn nhanh, ít dịch bệnh
Là một hộ chăn nuôi heo kỳ cựu ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, ông Thân Huy Nhân đã có hơn 15 năm gắn bó với nghề. Hai năm nay, nhờ tinh thần không ngừng tìm tòi, học hỏi, ông Nhân đã chuyển hướng phát triển trang trại heo tại gia đình theo hướng an toàn sinh học vì nhận thấy ưu điểm mà phương pháp này mang lại.
Mỗi năm, trang trại của ông Nhân cung cấp cho thị trường từ 30-50 con heo thịt, với trọng lượng mỗi con đều trên 1 tạ. Heo của ông được thương lái đánh giá cao vì có bề ngoài mướt và chất lượng thịt tốt. Có được điểu này nhờ ông quản lý chặt chẽ các điều kiện vệ sinh chuồng nuôi luôn giữ thông thoáng, sạch sẽ và kết hợp dùng chế phẩm sinh học trong thức ăn. Cách này giúp ông giảm 30% chi phí thức ăn mà đàn heo vẫn tăng cân đều.
Theo ông Nhân, chế phẩm sinh học cung cấp các vi sinh vật có lợi và men tiêu hóa, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột của heo. Vi sinh vật này làm phân hủy thức ăn hiệu quả, tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng của vật nuôi, từ đó cải thiện sức khỏe và tăng trọng của đàn heo.
Đàn heo của bà Nga tăng cân đều nhờ chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học.
"Lứa này tôi mới nuôi 4 tháng mà heo đã đạt trọng lượng 90kg, trong khi trước đây phải nuôi đến 5-6 tháng mới đạt được. Đặc biệt, da heo hồng hào, lông mượt mà, và phân heo cũng ít mùi hôi hơn trước. Tôi sẽ mở rộng chuồng để nuôi thêm và tiếp tục áp dụng phương pháp này", ông Nhân hồ hởi nói.
Còn tại Vĩnh Long, có thời điểm dịch tả đã càn quét đàn heo của nhiều nông hộ vì không bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Người chăn nuôi heo chưa bao giờ hết thấp thỏm với loại bệnh này.
Bà Nguyễn Thị Nga (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, hồi đầu năm, đàn heo của bà dính dịch tả heo Châu Phi. Tổng số heo bị nhiễm bệnh, đã chết và tiêu hủy là 63 con. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đã áp dụng các biện pháp để khống chế ổ dịch, không để lây lan.
Đây là lứa heo đầu tiên bà Nga áp dụng phương pháp chăn nuôi mới, mang tính đột phá hơn so với cách chăn nuôi truyền thống của gia đình. Thay vì sử dụng phần lớn thức ăn công nghiệp để heo lớn nhanh, tăng trọng tốt, lần này bà ưu tiên dùng thức ăn dân gian như cám, lục bình, pha thêm chế phẩm vườn sinh thái sản xuất theo công nghệ Nano. Đây là loại chế phẩm sinh học thân thiện, được Bộ NN-PTNT cấp phép sử dụng trong chăn nuôi.
Theo bà Nga, ban đầu khi áp dụng phương pháp chăn nuôi mới cũng có nhiều bỡ ngỡ và lo lắng. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng áp dụng, bà rất hài lòng vì có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách nuôi trước đây.
Heo có tỷ lệ sống cao nhờ chế phẩm sinh học chứa các yếu tố kích thích hệ miễn dịch, giúp tăng sản xuất các tế bào miễn dịch và tăng cường sức đề kháng của heo, giảm nguy cơ mắc các bệnh và giữ cho đàn heo luôn khỏe mạnh.
"Hồi trước, tôi cho heo ăn thức ăn kèm cơm thừa, canh cặn của bà trong xóm để giảm chi phí. Nhưng sau khi tìm hiểu biết được nguy cơ lây lan dịch bệnh từ thức ăn không an toàn, tôi đã thay đổi phương pháp. Nhờ vậy, đàn heo khỏe và ít mắc các bệnh về đường tiêu hóa, lớn nhanh trông thấy", bà Nga bộc bạch.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh đẩy mạnh tuyên truyền vận động người nuôi heo trên địa bản phát triển theo hướng an toàn sinh học.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Long, trước tình hình môi trường ngày càng ô nhiễm và các dịch bệnh truyền nhiễm ngày càng đe dọa, việc thực hiện an toàn sinh học là vấn đề sống còn của một cơ sở chăn nuôi. Người nuôi nên bố trí cơ sở chăn nuôi cách xa khu dân cư, thực hiện tiêm phòng các bệnh quan trọng chiếm tỷ lệ 90% trở lên để tạo miễn dịch cho đàn vật nuôi.
Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long sẽ tuyên truyền rộng rãi hơn về hiệu quả của mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cho người dân. Đồng thời, tổ chức những buổi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về mô hình này để ngày càng được nhân rộng trong tỉnh.
Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn đã xảy ra 3 ổ dịch tả heo Châu Phi tại xã Thuận Thới, xã Vĩnh Xuân và xã Trà Côn thuộc huyện Trà Ôn, đã tiêu hủy toàn bộ 52 con heo bệnh với tổng trọng lượng 4.885kg.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Long đã tiêm phòng đợt 1 năm 2024 gần 7.700 liều vacxin dịch tả heo Châu Phi để tạo miễn dịch trên đàn heo của tỉnh.