Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm
Quản lý kháng sinh, vấn đề cấp bách
Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã đưa ra danh sách các loại kháng sinh quan trọng trong nhân y và trong thú y. Việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho vật nuôi làm thực phẩm cho con người là cần thiết để đảm bảo hiệu quả của kháng sinh. Trong chăn nuôi, duy trì sức khỏe vật nuôi rất quan trọng trong sản xuất thực phẩm an toàn cho người, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trên thế giới trong việc tìm kiếm protein có nguồn gốc động vật với giá cả phải chăng cho khẩu phần ăn hàng ngày của mình.
Thực phẩm nhiễm, tồn dư kháng sinh, một vấn đề lớn hiện nay với các nước
Chính sách lành mạnh có thể được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, và tốt nhất cần phải xem xét các bài học và kinh nghiệm toàn cầu. Những kinh nghiệm và bài học của các nước, bao gồm của Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ có thể đóng góp vào quá trình ban hành chính sách, quy định mang tính khoa học cho từng quốc gia. Việc áp dụng các nguyên tắc phân tích rủi ro, bao gồm đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro và truyền thông rủi ro, có thể giúp các quốc gia kết hợp những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất vào quá trình quản lý động vật làm thực phẩm.
Các bài học và thực tiễn đều chứng minh rằng, một cách tiếp cận mang tính chiến lược để xác định kháng kháng sinh là vô cùng quan trọng. Nhận thức về hiện trạng và mục tiêu mong muốn của một quốc gia và sau đó xây dựng một quy trình thông qua các luật, quy định và thực tiễn để làm cầu nối giữa hiện trạng đến trạng thái mong muốn là điều quan trọng nhất để đảm bảo rằng chính sách và khoa học được thực hiện đạt kết quả cao nhất. Hành động chính trị mà không có lý do khoa học chính đáng hoặc thực tiễn thực tế sẽ dẫn đến hậu quả không mong đợi và lãng phí nguồn lực vốn còn hạn chế.
Kháng sinh thường được kiếm soát như một phần của quy trình phê duyệt thuốc thú y. Quy trình pháp lý này bao gồm đánh giá an toàn (con người, động vật và môi trường), chất lượng và hiệu quả (công bố trên nhãn với các công dụng đã được phê duyệt). Đánh giá an toàn về mặt pháp lý đối với con người của kháng sinh trong lịch sử được xem là an toàn về mặt độc tính và vi sinh học. Sự đánh giá này giúp cho việc thiết lập mức ăn hàng ngày chấp nhận được (ADI) và giới hạn dư lượng tối đa (MRLs) để đảm bảo việc sử dụng sản phẩm một cách an toàn.
Gần đây, việc đánh giá an toàn kết hợp phân tích rủi ro cho kháng kháng sinh, bao gồm đánh nguy cơ phơi nhiễm, quản lý rủi ro thông qua hướng dẫn sử dụng nhãn và truyền thông rủi ro nhằm đảm bảo sử dụng có trách nhiệm. Trọng tâm chính là giảm thiểu các mầm bệnh trong thực phẩm và sự kháng lại các vi khuẩn khiến cho bệnh trên người không thể điều trị được.
Điều quan trọng là vấn đề tồn dư và kháng thuốc phải được xác định qua các luật và quy định. Tuy nhiên, mỗi vấn đề cần phải có các chính sách và thực tiễn để đạt được kết quả mong muốn. Các quy định cùng với việc thực thi nghiêm túc sẽ đưa đến nguồn thực phẩm động vật an toàn, đồng thời duy trì hiệu quả của kháng sinh. Các quy định về quản lý kháng sinh và phân tích rủi ro liên quan cần phải được xem xét liều sử dụng và phân loại sử dụng theo hoạt chất. Kháng sinh được dùng trong thức ăn cho động vật bao gồm mục đích trị bệnh, kiểm soát và phòng bệnh hoặc kích thích tăng trưởng (KTTT).
Quan điểm của các nước
Trong hai thập kỷ qua, EU và Hoa Kỳ đã tìm kiếm để ngăn chặn sự kháng kháng sinh thông qua các luật, quy định của mình, đồng thời đưa ra các thực tiễn về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi phương pháp tiếp cận tiên tiến khác nhau đưa ra những kinh nghiệm và bài học khác nhau. Trên toàn cầu, kháng sinh tiếp tục được sử dụng ở tất cả các quốc gia trong chăn nuôi động vật làm thực phẩm; không có quốc gia nào loại bỏ được tất cả các loại kháng sinh.
EU đã xây dựng các quy định về kháng sinh sử dụng qua đường tiêm, nước chứa thuốc và thức ăn chứa thuốc. Phân tích nguy cơ kháng kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phê duyệt pháp lý. Bác sỹ thú y đóng vai trò chính, là người kê đơn sử dụng kháng sinh. Ở châu Âu, hiện có nhiều cuộc tranh luận về sử dụng kháng sinh cho KTTT trong thú y, và EU đã cấm sử dụng kháng sinh cho KTTT từ 1/01/2016.
Quan trọng là, lệnh cấm của EU không phải là lệnh cấm cho một hoạt chất cụ thể mà mang ý nghĩa về chỉ dẫn sử dụng, rằng nếu một hoạt chất có chỉ dẫn về mục đích điều trị và KTTT thì KTTT sẽ bị cấm, tuy nhiên hoạt chất này vẫn được lưu hành trên thị trường cho mục đích điều trị.
Cách tiếp cận của EU đối với việc cấm KTTT đã có “những hậu quả không mong muốn” dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm ruột hoại tử ở gia cầm và bệnh lị trên heo. Sự gia tăng sử dụng Tetracylin và Peniciline dẫn đến mức độ kháng các nhóm kháng sinh này càng tăng trong các mầm bệnh lây qua thực phẩm, đặc biệt là các chủng Samonella.
Quản lý tốt kháng sinh trong vật nuôi cũng chính là đảm bảo sức khỏe cho con người sử dụng thực phẩm
Dữ liệu từ DanMap 2013 của Đan Mạch cho thấy sau khi KTTT bị cấm, mức độ kháng Tetracycline và Ampicillin đã tăng, và điều này được phản ánh trong việc sử dụng các nhóm kháng sinh này cho mục đích điều trị. Rõ ràng, quyết định của EU dựa trên nguyên tắc thận trọng hơn là các dữ liệu khoa học.
Hoa Kỳ đã xây dựng các quy định về kháng sinh và phân tích rủi ro về kháng kháng sinh như một phần quan trọng trong quá trình phê duyệt pháp lý của mình. Các kháng sinh có thể được phê duyệt cho mục đích trị bệnh, kiểm soát và phòng bệnh, và cho KTTT. Bác sỹ thú y đóng vai trò chính trong việc kê đơn sử dụng kháng sinh, bao gồm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi theo “chỉ thị của bác sỹ thú y trong thức ăn chăn nuôi”.
Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phân loại kháng sinh thành 3 nhóm: nhóm chỉ dùng trong nhân y, nhóm chỉ dùng trong thú y và nhóm sử dụng chung cả trong nhân y và thú y. Các công ty thuốc thú y được khuyến khích tự nguyện rút KTTT khỏi nhãn sản phẩm với các kháng sinh thuộc nhóm sử dụng chung; trong đó, KTTT có thể được sử dụng đối với các kháng sinh chỉ dùng trong nhân y.
Từ ngày 1/01/2017, kháng sinh thuộc nhóm dùng chung chỉ được phép sử dụng cho mục đích điều trị (trị, kiểm soát và phòng bệnh) theo kê đơn của bác sỹ thú y. Các kháng sinh thuộc nhóm chỉ dùng trong thú y có thể được dùng cho mục đích điều trị theo kê đơn của bác sỹ thú y hoặc có thể tiếp tục được dùng cho KTTT và được bán tại quầy thuốc.
Một quốc gia cần phải xác định luật, quy định và các chính sách sử dụng có trách nhiệm phù hợp nhất với mình thông qua việc xem xét các bài học kinh nghiệm toàn cầu. Việc tiếp cận nên bắt đầu từ việc hiểu một cách đầy đủ về các chính sách và thực tiễn, mục tiêu mong muốn và sau đó tiếp cận một cách thực tiễn chính là cầu nối giữa hiện trạng với trạng thái mong muốn.