Tận dụng tốt nguyên liệu trong nước để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi
Cung chưa đủ cầu
Thống kê cho thấy, chi phí thức ăn chăn nuôi (TĂCN) chiếm khoảng 60 – 70% giá thành sản xuất tùy theo phương thức sản xuất, năng suất chăn nuôi và giá cả thị trường. Cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ về phương thức chăn nuôi từ quy mô nông hộ sang quy mô trang trại, tỷ trọng TĂCN công nghiệp đã không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 75% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành, trong khi đó, tỷ trọng thức ăn tận dụng, tự chế biến, phối trộn chỉ chiếm khoảng 25%.
Cơ cấu sản lượng TĂCN giai đoạn 2019-2023 theo vật nuôi (ĐVT: triệu tấn).
Cùng đó, số nhà máy sản xuất TĂCN cũng tăng mạnh cả về số lượng và công suất. Nếu như năm 2019, Việt Nam có 261 nhà máy với sản lượng TĂCN là 18,9 triệu tấn thì đến năm 2023, cả nước có 294 nhà máy, sản xuất ra 20 triệu tấn (số nhà máy tăng 12,6%, sản lượng sản xuất tăng 5,8%). Trong đó, doanh nghiêp FDI chiếm khoảng 60% về sản lượng, doanh nghiệp trong nước khoảng 40%. Về cơ cấu theo nhóm vật nuôi, năm 2023, TĂCN cho heo chiếm 56,0%, gia cầm chiếm 40,7% và vật nuôi khác khoảng 3,3%.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất TĂCN công nghiệp, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 19 – 20 triệu tấn nguyên liệu TĂCN bao gồm cả nguyên liệu thô và thức ăn bổ sung. Riêng năm 2023, nước ta nhập khẩu 16,4 triệu tấn nguyên liệu TĂCN (chưa bao gồm nguyên liệu TĂCN có nguồn gốc động vật), trong đó, chủ yếu là sản phẩm của ngành trồng trọt. Cụ thể, ngô 6,6 triệu tấn; lúa mì và lúa mạch 1,5 triệu tấn; khô dầu các loại 4,7 triệu tấn; DDGS (phụ phẩm của quá trình sản xuất ethanol) 1,1 triệu tấn; cám các loại 600.000 tấn, các nguyên liệu khác 1,8 triệu tấn.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu của nước ta vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu nên giá TĂCN trong nước luôn chịu tác động trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới.
Chủ động nguồn cung trong nước
Phát biểu tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo bền vững” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, kể từ tháng 3/2023, giá TĂCN bắt đầu có xu hướng giảm kéo theo giá thành chăn nuôi heo giảm so với các tháng đầu năm 2023, kết hợp với giá sản phẩm heo hơi tăng kể từ tháng 2/2024 (giá heo hơi trung bình tháng là từ 55.000 – 75.000 đồng/kg). Đây là dấu hiệu quan trọng báo hiệu sự phục hồi của ngành chăn nuôi heo trong thời gian tới.
Cũng theo ông Đăng, hiện việc ngành chăn nuôi của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào đặc biệt là nguyên liệu TĂCN; chúng ta vẫn chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu TĂCN trong nước để giảm giá thành. Trong khi đó, hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu, còn lại 65% phải nhập khẩu.
Do vậy, ông Đăng cho rằng, muốn thúc đẩy chăn nuôi heo phát triển, cần đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu TĂCN, đặc biệt nguồn phụ phẩm công, nông nghiệp, nguyên liệu có thể cạnh tranh như phụ gia, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học… để chủ động nguồn cung nguyên liệu sản xuất, giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, giảm chi phí nhập khẩu và giảm giá thành sản xuất.
Ngô là cây trồng quan trọng để phục vụ làm nguyên liệu cho TĂCN.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận định, thời gian tới, giá nguyên liệu TĂCN và nguyên liệu trong nước có xu hướng ổn định. Vậy nên, nếu chúng ta biết tận dụng tốt nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành TĂCN sẽ đem lại hiệu quả lớn, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, cần sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu TĂCN cho heo bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu TĂCN trong sản xuất, nhập khẩu và bảo quản. Cục Chăn nuôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mạnh công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các sản phẩm phụ trợ làm nguyên liệu TĂCN, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sử dụng hiệu quả các nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu TĂCN trong nước để giảm tỷ lệ nhập khẩu.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến TĂCN đến năm 2030, trong đó đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như tập trung đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất TĂCN công nghiệp; Phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; Phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm TĂCN; Phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm TĂCN. Việc triển khai các dự án ưu tiên trong Đề án này sẽ tạo ra cú hích quan trọng cho ngành chăn nuôi phát triển hơn nữa trong thời gian tới.