Tăng cường cảnh giác với bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá

Tăng cường cảnh giác với bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá

Có 33,33% trong số 30 mẫu rầy nâu bị nhiễm virus, gồm 13,33% mẫu nhiễm virus gây bệnh vàng lùn (VL) và 20% nhiễm virus gây bệnh lùn xoắn lá (LXL), đó là kết quả giám định mới nhất tại tỉnh An Giang.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, năm 2017, bệnh VL-LXL hại lúa đã tái bùng phát gây hại trở lại tại các tỉnh phía Nam với diện tích nhiễm bệnh 16.360ha.

Tại An Giang, có 1.024ha bị nhiễm bệnh, trong đó có 10,2ha tại huyện Tri Tôn bị nhiễm nặng buộc phải tiêu hủy. Vụ lúa hè thu 2018, các tỉnh, thành phía Nam đã gieo sạ trên 1,5 triệu ha. Tại An Giang, đến ngày 6/6, toàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm 230.728,46 ha đạt 101% kế hoạch. Trên toàn vùng, bệnh VL-LXL tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa hè thu tại các tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu và An Giang với diện tích nhiễm hơn 6.200ha. Tại An Giang, tính đến ngày 15/6, đã có 160ha lúa bị nhiễm bệnh, tập trung trên trà lúa xuống giống sớm.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó trưởng BCĐ phòng, chống rầy nâu, bệnh VL-XL và các dịch hại khác gây ra, cho biết, đầu tháng 6/2018, kết quả giám định Elisa 170 mẫu rầy nâu vào đèn ở 6 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bạc Liêu và An Giang đã phát hiện 25/170 mẫu nhiễm virus gây bệnh VL-LXL (chiếm 17,71%). Riêng tại An Giang, kết quả giám định 30 mẫu rầy nâu có 33,33% số mẫu bị nhiễm virus (13,33% mẫu nhiễm virus gây bệnh VL, 20% nhiễm virus gây bệnh LXL).

Để chủ động phòng, chống, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ an toàn vụ lúa hè thu 2018 và các vụ lúa tiếp theo, BCĐ phòng, chống rầy nâu, bệnh VL-LXL và các dịch hại khác trên lúa tỉnh An Giang vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các công văn chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh. Cần kiên quyết chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức xuống giống ở từng tiểu vùng trong khung lịch thời vụ quy định và theo thông báo lịch xuống giống né rầy cụ thể của ngành nông nghiệp đối với từng tiểu vùng. Phải giữ thời gian cách ly giữa các vụ lúa ít nhất 15 ngày nhằm cắt đứt nguồn bệnh và rầy nâu trên đồng ruộng. Trong cùng tiểu vùng, phải xuống giống tập trung né rầy không quá 7 ngày để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu, bệnh VL-LXL và các dịch hại khác gây ra.