Thái Nguyên: Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm
Để đảm bảo vật nuôi phát triển khỏe mạnh, chị Vũ Thị Chi, ở xóm Bầu 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương) luôn thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng dịch cho đàn gà hơn 2.000 con của gia đình. Chị Chi chia sẻ: Sau mỗi lứa xuất bán, nhà tôi để trống chuồng 15 ngày nhằm vệ sinh khu vực chăn nuôi, máng ăn, uống nước sạch sẽ, phun khử trùng tiêu độc. Sau đó, gia đình mới tái đàn. Trong quá trình nuôi, tôi cũng tiêm đủ vắc-xin phòng bệnh cho gà; phun thuốc khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi; đặc biệt, không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi.
Không riêng chị Chi, thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh cũng đang tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho lứa vật nuôi phục vụ thị trường cuối năm.
Tính chung trong toàn tỉnh, tổng đàn gia cầm hiện có khoảng 15,5 triệu con. Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan, ngành Nông nghiệp cùng với chính quyền các địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trong đó, tập trung giám sát dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, nhất là những khu vực đã từng xuất hiện bệnh; đôn đốc công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng trại, vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao.
Cùng với đó, ngành chức năng cũng thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, buôn bán, vận chuyển nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Các địa phương trong tỉnh cũng đang tiến hành rà soát, tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vắc-xin cúm cho đàn gia cầm, đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn. Đồng thời, tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch cúm A/H5 (hay còn gọi là cúm A/H5N1) đối với sức khỏe con người, cũng như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế
Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản: Bệnh cúm gia cầm dễ phát sinh vào thời điểm chuyển mùa, vi rút lây lan nhanh, gây nguy hiểm cho tất cả các loại gia cầm. Ngoài ra, một số chủng vi rút cúm gia cầm có thể lây sang người. Do vậy, cùng với áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, bà con cần đặc biệt lưu ý, khi thấy đàn gia cầm có biểu hiện nhiễm bệnh thì không nên tự mua thuốc điều trị mà phải báo ngay cho cán bộ thú yđể được hỗ trợ; không vứt bỏ xác gia cầm ra ngoài môi trường.
Hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm vẫn được kiểm soát tốt, nhưng nguy cơ bùng dịch vẫn hiện hữu. Bởi, tỷ lệ tiêm phòng của một số địa phương đạt thấp, nguy cơ lây lan, xuất hiện bệnh cao.
Thêm vào đó, thời gian qua, cả nước đã xuất hiện 39 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 77 nghìn con. Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua, đã xuất hiện 1 trường hợp người nhiễm vi rút cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ (sau hơn 8 năm, nước ta không có trường hợp tử vong hoặc nhiễm vi rút cúm A/H5).
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, ngành chức năng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Đặc biệt, khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Có thể thấy, việc thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của ngành chuyên môn trong phòng, chống dịch cúm không chỉ giúp người chăn nuôi bảo vệ tốt đàn gia cầm, tránh gây thiệt hại về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.