Thái Nguyên: Niềm vui, nguồn thu đến từ những đàn bò dự án
Giữa trưa nhưng bà Thanh vẫn luôn chân luôn tay mãi chưa hết việc. Cơn gió hanh khô đầu đông nơi vùng quê Bắc bộ không ngăn được những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt rám nắng của người nông dân. Vừa tất bật dọn dẹp xong nhà cửa, bà Thanh tranh thủ ra sân dắt con bò đang nhẩn nha nhai cỏ vào buộc dưới tán cây để tránh cái nắng gay gắt chiếu trên đỉnh đầu.
Là một trong những hộ nghèo vừa qua được Nhà nước hỗ trợ bò sinh sản tại xóm Phú Xuân, xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Thanh lại cảm thấy phấn khởi do gia đình đã có thêm sinh kế để trang trải cuộc sống.
Dù đã ở độ tuổi ngoài 60 nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên bà Thanh vẫn là lao động chính của gia đình khi chồng bà bị thoái hóa cột sống không thể lao động. Mỗi ngày, ngoài việc nhà cửa, vườn tược, bếp núc, bà Thanh vừa phải chăm cháu ăn học, vừa làm thêm công việc đan khung hình nhân hàng mã theo đơn đặt hàng được khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng và đây cũng cũng là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình bà Thanh để nuôi chồng và đứa cháu (bố mẹ li dị, cháu nội ở với bà Thanh).
Bà Nguyễn Thị Thanh (áo đen) được cán bộ khuyến nông phụ trách xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho bò sinh sản.
Đầu năm 2024, gia đình bà Thanh thuộc diện các hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương được Nhà nước hỗ trợ, cấp phát bò sinh sản. Theo lời kể của bà, sau gần 1 năm nhận bò về chăm nuôi, tuy công việc có vất vả hơn nhưng bà lại thấy vui và phấn khởi hơn.
“Có thêm con bò, gia đình chúng tôi cũng có thêm niềm hy vọng bởi thêm kế sinh nhai là sẽ có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống, dần dần sẽ đỡ vất vả hơn. Hiện nay, ngoài bò, nhà tôi cũng nuôi thêm 1 đàn gà chọi 10 con và 2 con lợn nái để bắt đầu gây đàn. Cho dù vất vả nhưng tôi vẫn đam mê với công việc của nhà nông và tin vào một tương lai tươi sáng hơn”, người phụ nữ nở nụ cười lạc quan.
Bò sinh sản - niềm hy vọng mới của gia đình người dân nghèo.
Năm 2023, triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể là Dự án 2: “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình đã hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo trong sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tiến hành khảo sát nhu cầu của các hộ dân, sau đó tổ chức tập huấn chăn nuôi và triển khai cấp phát 40 con bò sinh sản cho 40 hộ chăn nuôi.
“Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình đã tiến hành tuyển chọn trực tiếp đàn bò trước khi cấp phát cho bà con là nhóm bò lai Zebu, có hình dáng đạt tiêu chuẩn của bò sinh sản, có sức khỏe, đảm bảo sinh trưởng tốt, có đủ trọng lượng từ 200kg trở lên”, ông Khiêm thông tin.
Sau khi bà con nhận bò về chăn nuôi, cán bộ phụ trách của Trung tâm và hệ thống chăn nuôi thú y các xã sẽ thường xuyên theo dõi sát sao tình hình sinh trưởng, phát triển của đàn bò, giúp đỡ bà con về kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi hàng ngày, phát hiện quá trình động dục kịp thời để thụ tinh cho bò.
Có thêm con bò, tuy sẽ vất vả hơn nhưng bà con cũng thêm phấn khởi.
Thông qua các lớp tập huấn cũng như quá trình hỗ trợ trực tiếp cho người dân, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình đã lưu ý bà con cần cho bò ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng theo hướng dẫn. Đặc biệt đối với bò sinh sản đã đủ 18 tháng tuổi trở lên, sẽ bắt đầu có hiện tượng động dục, cần lưu ý khi xuất hiện hiện tượng động dục, bò sẽ giảm ăn, kêu rống và phá chuồng.
“Đối với lần động dục đầu tiên, bà con cần bỏ qua và không lấy giống. Đến lần động dục thứ hai mới có thể tiến hành lấy giống. Cho đến nay, đàn bò phát triển rất tốt, một số con bò cái đã có chửa và sinh bê con. Từ những kết quả ban đầu của dự án, bà con nông dân rất phấn khởi do có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Khiêm chia sẻ.