Thanh Hóa: Ưu tiên giống lúa chất lượng, ngắn ngày

Thanh Hóa: Ưu tiên giống lúa chất lượng, ngắn ngày

Theo đề án, vụ chiêm xuân 2018 - 2019, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đạt 816.750 tấn lương thực.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, bên cạnh việc chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh, ngành nông nghiệp chỉ đạo địa phương tăng diện tích lúa xuân muộn, ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày chất lượng cao…

Sâu bệnh có thể xuất hiện sớm

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm nay, hiện tượng Enso có nhiều khả năng chuyển sang trạng thái El Nino, nhiệt độ trung bình có khả năng cao hơn năm trước; thời gian xuất hiện rét đậm rét hại đến muộn. Dự kiến, nhiều đối tượng sâu bệnh trên cây trồng sẽ xuất hiện sớm và gây khó khăn cho sản xuất vụ chiêm xuân.

Giống lúa chất lượng, ngắn ngày

Thanh Hóa ưu tiên cơ cấu các giống lúa thuần chất lượng cao trong vụ chiêm xuân 2018 - 2019

Theo ông Lê Văn Vương, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Thanh Hóa, thời tiết ấm từ đầu vụ sẽ giúp cây trồng phát triển nhưng cũng khiến sâu bệnh có khả năng xuất hiện sớm và diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, những năm thời tiết ấm, nếu không chủ động các phương án phòng trừ sâu bệnh thì không loại trừ nguy cơ… mất mùa. Hiện nay, lúa chét còn tồn dư sẽ là điều kiện để các mầm bệnh khu trú, phát tán. Bệnh đạo ôn lá, cổ bông sẽ xuất hiện sớm, từ tháng 2 đến tháng 4, 5. Vì vậy cần bố trí các giống có khả năng chống chịu tốt với bệnh đạo ôn. Bạc lá, đốm sọc vi khuẩn sẽ phát triển từ cuối tháng 3, sau các trận mưa giông, nhất là trên các giống lúa lai. Sâu cuốn lá nhỏ thường không xuất hiện trong vụ chiêm xuân ở Thanh Hóa nhưng với nền nhiệt dự báo cao hơn những năm trước, khả năng sâu cuốn lá sẽ phát triển mạnh, có thể xuất hiện và gây hại từ 2 - 3 lứa sâu…

Vụ mùa 2017, 2018, Thanh Hóa xuất hiện bệnh lùn sọc đen phương Nam tại Bá Thước, Sầm Sơn, Thiệu Hóa, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Quan Sơn. Năm nay, rầy nâu, lưng trắng lứa một sẽ xuất hiện giai đoạn mạ. Đây chính là môi trường để bệnh lùn sọc đen phương Nam xuất hiện và gây hại sớm, nhất là các huyện có nguồn bệnh từ các vụ mùa trước. Vì vậy, chính quyền các địa phương, bà con nông dân cần chuẩn bị sớm các phương án.

Chi cục BVTV Thanh Hóa khuyến cáo, các địa phương, bà con nông dân cần theo sát sao dõi diễn biến dịch bệnh để chủ động các phương án phòng trừ; lựa chọn sử dụng các giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh cao.

Ưu tiên giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao

Thực tế, trong những năm gần đây, cơ cấu vụ chiêm xuân 2017 - 2018 tại Thanh Hóa, nhóm giống lúa ngắn ngày chất lượng cao có xu hướng tăng. Năm 2018, Thanh Hóa chuyển đổi được trên 3 nghìn ha lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, cho hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là một xu thế trong vụ chiêm xuân 2018 - 2019 năm nay. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết 4 nhà được thực hiện tốt cũng góp phần tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả trên đơn vị sản xuất. Một số địa phương như Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân vốn có truyền thống liên kết sản xuất lúa giống cần phát huy để nâng cao hiệu quả.

Trước những khó khăn trong sản xuất vụ chiêm xuân 2018 - 2019, ngành nông nghiệp Thanh Hóa tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu trồng trọt, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Thanh Hóa sẽ chuyển trên 5,7 nghìn ha đất trồng lúa sang cây trồng khác, xây dựng nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân; xây dựng các mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Để giảm rủi ro do thời tiết mang lại, ngành nông nghiệp Thanh Hóa khuyến cáo nông dân gieo trồng đúng khung lịch thời vụ và đúng cơ cấu giống.

Giống lúa chất lượng, ngắn ngày

Ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất

Quan điểm sản xuất vụ chiêm xuân 2018 - 2019 của Thanh Hóa là tăng diện tích lúa xuân muộn, ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày chất lượng cao, hạn chế giống dài ngày (chỉ bố trí giống dài ngày trên các vùng đất đặc thù); khuyến cáo mở rộng diện tích lúa lai, ưu tiên giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao, gạo ngon, hạt dài; các giống có tính kháng với các loại sâu bệnh chủ yếu như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng để tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế.

Vụ chiêm xuân 2018 - 2019, Thanh Hóa tập trung cơ cấu các nhóm lúa thuần chất lượng cao như Bắc Thịnh, TBR225, TBR279, HN6, Kim cương 111, Lam sơn 8, Bắc Hương 9…; nhóm giống lúa thuần năng suất cao như Thiên ưu 8, Q5, TBR1, TBR45, TBR36, DT45... Nhóm lúa lai năng suất cao, chất lượng khá như Thái xuyên 111, VT404, Hương ưu 98, Thụy Hương 308; nhóm lúa lai năng suất cao chất lượng trung bình như Nhị ưu 986, GS9, GS55, Nhị ưu 838, Khải phong số 1…

Trước mắt, để hoàn thành vụ chiêm xuân 2018 - 2019 thắng lợi, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa vào sản xuất; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cũng sẽ được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện sớm.

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc TCtyGiống cây trồngThái Bình cho rằng, chủ trương mở rộng diện tích lúa lai ngắn ngày, chất lượng cao là đúng. Do biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp cần cơ cấu lịch thời vụ để lúa trỗ tránh được mưa, rét. Bên cạnh đó, vụ chiêm xuân cần giảm đến mức tối đa sạ thẳng để tránh lúa bị chết rét, giảm được lượng thuốc trừ sâu, từng bước tăng tỷ lệ diện tích lúa hữu cơ. Trong điều kiện như hiện nay, nên có các chính sách hỗ trợ nông dân cấy bằng mạ khay. Đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt công tác quản lý giống, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm bản quyền.