Thị trường gia cầm toàn cầu: Những tín hiệu tích cực
Giá ngũ cốc hạ nhiệt
Mặc dù 6 tháng đầu năm 2023 thua kém nửa cuối năm ngoái, nhưng ngành gia cầm thế giới vẫn đón nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn vào nửa cuối năm nay. Trong báo cáo ngành gia cầm thế giới theo quý vừa công bố tháng 7/2023, Rabobank cho biết, giá các loại ngũ cốc và hạt dầu đã rẻ hơn, tác động tích cực lên chuỗi giá trị gia cầm toàn cầu thông qua giảm chi phí sản xuất và cải thiện lợi nhuận. Nhờ đó, giá các sản phẩm thịt gia cầm cũng “mềm” hơn, đặc biệt đối với những người tiêu dùng quan tâm đến yếu tố giá cả hàng đầu.
“Giá thức ăn chăn nuôi giảm sẽ mang lại lợi ích chung, nhưng đặc biệt có lợi cho ngành chăn nuôi ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á; đồng thời giảm bớt áp lực nguồn cung ở Trung Đông và châu Phi – những nơi đang gặp khó về nguồn cung. Nhu cầu tiêu thụ thịt gà dự kiến tăng do giá các loại protein đối thủ như thịt heo, bò và trứng đã đạt kỷ lục. Dù triển vọng tích cực, các nhà sản xuất gia cầm không nên chủ quan bởi chìa khóa thành công trong những tháng tới là cân bằng nguồn cung”- theo Rabobank.
Rabobank lưu ý nguồn cung đang dần được cải thiện ở hầu hết các quốc gia từng sản xuất kém hiệu quả hồi đầu năm như Mỹ, Indonesia, Nhật Bản và Nam Phi. Ngành gia cầm của châu Âu, Mexico, Nga, Ấn Độ, Philippines và Malaysia được đánh giá tốt nhất trong năm nay, trong khi khủng hoảng dư thừa nguồn cung ở Mỹ, Nhật Bản và Brazil đang được khắc phục. Tuy nhiên, khủng hoảng thừa nguồn cung vẫn đang tiếp tục tác động đến Việt Nam và Indonesia, trong khi ngành gia cầm của Trung Quốc đang gánh không ít áp lực cạnh tranh về giá với thịt heo và sự phục hồi chậm chạp nói chung của nền kinh tế.
Giá ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi toàn cầu sẽ giảm dần trong những tháng tới, góp phần giải phóng bớt áp lực chi phí sản xuất. Giá thức ăn chăn nuôi cả năm 2023 dự kiến giảm 10 – 15% so mức kỷ lục ghi nhận vào năm ngoái. Nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt là sản lượng ngô và đậu tương của Brazil cao kỷ lục, cùng đó, giá phân bón thấp hơn và vụ thu hoạch lúa mỳ ở châu Âu và Nga đón nhiều triển vọng tích cực.
Thương mại toàn cầu sôi động
Tình trạng lây lan dịch cúm gia cầm (AI) tại Nam Mỹ dự kiến kéo dài trong những tháng tới và tiếp tục gây ra nhiều trở ngại cho ngành gia cầm ở Đông Bắc châu Á và Nam Phi, thậm chí lan đến Nam bán cầu trong những tháng mùa đông. Tuy nhiên, một số quốc gia như Brazil đang nỗ lực tìm cách tiễu trừ đại dịch AI ra khỏi ngành chăn nuôi gia cầm thương mại. Tuy nhiên, nếu virus xâm nhập vào sản xuất thương mại, Brazil phải thuyết phục các đối tác nhập khẩu tin vào khả năng kiểm soát dịch bệnh mới có thể ngăn chặn cú sốc lớn đối với thương mại gia cầm toàn cầu. Nhiều chuyên gia dự báo năm 2023 kết thúc, hiểm họa từ đại dịch AI sẽ quay trở lại Bắc bán cầu.
Thương mại gia cầm toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong 3 tháng đầu năm 2023 và sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm. Một phần động lực đằng sau tăng trưởng này là chính sách mở cửa đón nhận hàng nhập khẩu giá rẻ để kìm hãm lạm phát của nhiều quốc gia. Một số cường quốc nhập khẩu như châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ, Trung Đông, Nam Phi và Philippines được dự báo sẽ còn nhập khẩu nhiều hơn do nguồn cung nội địa tương đối thấp trong khi giá đắt hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tác động tiêu cực lên thương mại toàn cầu do nền kinh tế của quốc gia này không phục hồi như kỳ vọng sau đại dịch COVID-19. Điều này làm gia tăng sự cạnh tranh về giá bán giữa nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc.
Nếu đại dịch AI đe dọa ngành sản xuất gia cầm thương mại của Brazil, giá một số sản phẩm gồm ức gà, gà nguyên con và chân gà có thể tăng vọt và thắt chặt nguồn cung tại một số nước nhập khẩu ở Trung Đông, châu Á và châu Âu. Do đó, một số nhà nhập khẩu đang tích trữ hàng tồn kho để đề phòng tình huống này. Dù vậy, ngành gia cầm Brazil cũng thắng lớn nhờ thương mại toàn cầu năm nay sôi động với xuất khẩu gia cầm trong quý đầu tiên tăng 17%.
Khó khăn đan xen thuận lợi, song các chuyên gia tại Rabobank đều nhận định ngành gia cầm toàn cầu sẽ sáng lên vào cuối năm, đặc biệt ở các quốc gia từng gặp nhiều trở ngại hồi đầu năm. Tuy nhiên, tình trạng dư cung ở Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam vẫn còn tiếp diễn nhưng tác động tiêu cực cũng được giảm bớt phần nào do thương mại toàn cầu tiến triển tích cực.