Thời cơ tái đàn heo cho thị trường cuối năm
Đàn heo một số địa phương ở Bình Định giảm sâu do thời gian qua người dân không tái đàn. Hiện giá heo giống giảm rất sâu, là điều kiện tốt để tái đàn.
Đàn heo giảm mạnh
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, giai đoạn trước tháng 5/2019, khi dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) chưa xâm nhập địa bàn tỉnh, tổng đàn heo của Bình Định có 750.000 con. Sau thời gian dịch bệnh hoành hành, đàn heo ở địa phương giảm xuống còn 590.000 con.
Sau dịch, nhờ người chăn nuôi nỗ lực tái đàn nên đàn heo ở Bình Định tăng dần, hiện đã đạt 695.000 con. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, heo nuôi ở Bình Định không còn xuất bán được cho thị trường các tỉnh phía Bắc, sức tiêu thụ nội tỉnh cũng bị nghẽn do nhiều địa phương thực hiện Chỉ thị 16 nên lưu thông các loại hàng hóa bị ách tắc.
“Do đầu ra bị tắc nhiều đường nên những tháng gần đây giá heo liên tục giảm. Thêm vào đó, giá thức ăn chăn nuôi hiện nay đã tăng 30% so với thời điểm đầu năm, trong khi đó, giá heo giống giảm chậm nên thời gian qua người chăn nuôi heo ở Bình Định không mặn mà tái đàn do sợ bị thua lỗ”, ông Đào Văn Hùng cho hay.
Huyện Hoài Ân, địa phương nuôi heo nhiều nhất tỉnh Bình Định, nơi được mệnh danh là “vựa heo lớn nhất miền Trung”, hiện đàn heo trên địa bàn cũng đã giảm sâu. Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, trước khi xảy ra DTLCP, đàn heo trên địa bàn huyện Hoài Ân có gần 400.000 con.
Thế nhưng sau khi trải qua thời gian dài dịch bệnh, tiếp đến heo lâm cảnh ế ẩm do ảnh hưởng dịch Covid-19, người chăn nuôi trên địa bàn sau khi bán hết heo cứ để chuồng trống, không dám tái đàn vì sợ thua lỗ, do đó đàn heo trên địa bàn huyện Hoài Ân đã giảm sâu, hiện chỉ còn 190.000 con.
Một nguyên nhân khác khiến người chăn nuôi ở Hoài Ân không dám tái đàn heo là do cách đây 2 tháng, DTLCP tái phát, khiến người chăn nuôi càng lơ là việc tái đàn. Họ sợ thả nuôi tiếp lứa khác heo chưa kịp lớn thì đã bị dịch bệnh cướp mất.
Người chăn nuôi heo ở Bình Định đang đẩy mạnh tái đàn.
“Sau nhiều nỗ lực, hiện đợt DTLCP mới bùng phát trên địa bàn huyện Hoài Ân đã được khống chế. Lúc này lại đang đúng vào thời điểm tái đàn để kịp cung ứng cho thị trường dịp cuối năm, do đó người chăn nuôi heo trên địa bàn đã bắt đầu thả heo giống nuôi trở lại. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Hoài Ân sẽ phấn đấu nâng tổng đàn heo trên địa bàn tăng lên 285.000 con”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho biết.
Theo thống kê của UBND huyện Hoài Ân, hiện ở địa phương này có 4 trang trại chăn nuôi heo công nghiệp công nghệ cao, 62 trang trại chăn nuôi heo có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 1.926 gia trại và trên 8.000 hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ.
Đặc biệt, từ các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn đến những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hoài Ân đều có nuôi heo nái sinh sản để chủ động nguồn heo giống. Đây là lợi thế lớn khi người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn như hiện nay.
Giá heo giống tụt sâu, thuận lợi để tái đàn
Theo anh Nguyễn Văn Bình (42 tuổi) ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân), trước khi thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, heo giống siêu nạc nuôi theo công nghệ cao tại các trang trại có giá đến hơn 3,2 triệu đồng/con (10kg), còn heo giống nuôi trong nông hộ có giá 2,2 triệu đồng/con (7kg).
Thế nhưng hiện nay giá heo giống đã giảm mạnh, riêng heo giống nuôi trong nông hộ chỉ còn 650.000 - 700.000 đ/con (7kg), giảm 3 lần. Đây là điều kiện để người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn để đón đầu thị trường dịp cuối năm.
“Hiện nay, người nuôi không còn sử dụng chất tăng trọng nên thời gian nuôi heo kéo dài hơn, heo nuôi trong nông hộ phải đến 4 tháng mới mới đạt 80 kg/con, đến thời điểm ấy mới có thể xuất chuồng. Do đó, bây giờ thả giống nuôi thì sẽ có heo xuất bán vào thời điểm cuối năm, đón đầu thị trường dịp Tết Nguyên đán”, anh Nguyễn Văn Bình cho hay.
Theo người chăn nuôi ở huyện Hoài Ân, thời gian qua, giá heo hơi cầm chừng không tăng không giảm, heo nuôi trong nông hộ vẫn đứng ở mức giá trên dưới 50.000 đ/kg, còn heo siêu nạc nuôi theo hướng công nghiệp có giá 56.000 - 57.000 đ/kg.
Anh Nguyễn Văn Bình ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) tái đàn heo song song với nỗ lực phòng chống DTLCP.
Trong khi đó, việc tiêu thụ heo hết sức khó khăn, bởi thương lái không thu mua mạnh như trước đây. Tuy nhiên, với hy vọng trong thời gian tới dịch bệnh Covid-19 sẽ được khống chế, thị trường tiêu thụ sẽ hồi phục, nên người chăn nuôi ở Hoài Ân đang mạnh dạn tái đàn heo, để không phải lâm tình cảnh khi heo đắt giá, tiêu thụ mạnh thì trong chuồng trống hoác không có heo để bán.
Từ đầu năm đến nay, những hộ nuôi heo không chủ động con giống, sợ thua lỗ nên không dám tái đàn, một phần các tháng trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giá heo giống còn quá cao, chỉ những hộ có nuôi heo nái sinh sản mới tái đàn đều đều.
"Cách đây 2 tháng, DTLCP quay lại, người nuôi ái ngại không dám vào đàn nên đàn heo trên địa bàn sụt giảm mạnh. Nếu thị trường tiêu thụ không khó khăn do dịch Covid-19, chắc chắn thời điểm này giá heo đã tăng rất cao, bởi hầu hết trong chuồng các hộ chăn nuôi trên địa bàn không còn heo để bán. Bây giờ, nếu không thả giống tái đàn thì đến thời điểm cuối năm heo sẽ càng khan hiếm, sốt giá”, anh Viêm, một chủ trại lợn ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) dự báo.
Tuy nhiên, tái đàn trong thời điểm này người chăn nuôi heo ở Hoài Ân vẫn còn nỗi lo DTLCP tái bùng phát. Do đó, ngoài những trang trại nuôi heo số lượng lớn theo hướng an toàn sinh học, người nuôi heo trong nông hộ ở Hoài Ân rất quan tâm đến các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Ví như anh Nguyễn Văn Bình, người đang nuôi tái đàn 100 con heo ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân), dù DTLCP xuất hiện trên địa bàn đã 3 năm qua, thế nhưng chưa lứa heo nào anh Bình bị thất bại do dịch bệnh.
Lứa heo thả nuôi trong thời điểm này sẽ kịp xuất bán vào dịp cuối năm.
Theo chia sẻ của anh Bình, do anh không có điều kiện xây dựng chuồng trại nuôi kín, heo anh nuôi trong chuồng hở, nhưng chung quanh được giăng màn kín mít để ngăn ruồi, muỗi. Ngoài tiêm phòng đầy đủ và phun thuốc sát trùng chuồng trại định kỳ, anh Bình còn phòng dịch bệnh cho đàn heo theo kiểu dân dã bằng cứ cách 10 ngày anh đốt xông chuồng nuôi bằng dăm bào, lá bưởi, lá sả và bồ kết. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 thì 5 ngày anh đốt xông 1 lần.
Để ngăn dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào, khi heo xuất chuồng, anh Bình dùng xăng đốt hết những giỏ sắt do thương lái mang đến bắt heo để diệt mầm bệnh. Người vào chuồng bắt heo cũng phải mang dép của chủ nhà đã được sát khuẩn. Khi thương lái đã bắt heo đi, anh tiếp tục nấu nhiều nồi nước sôi lớn, múc tạt vào khắp những ô chuồng vừa xuất heo để diệt khuẩn.
“Mầm bệnh DTLCP còn quanh quẩn nên phải phòng trừ bằng mọi cách. Tôi có 12 heo nái sinh sản, heo con đẻ ra tôi để lại nuôi hết. Hiện trong chuồng nhà tôi có 10 con heo thịt được hơn 60 kg/con và 90 con mới thả nuôi đạt trọng lượng 20 - 30 kg/con.
Lứa heo này tôi sẽ xuất bán trong tháng 10 - 11 tới đây. Từ nay, heo nái đẻ ra tôi sẽ để lại nuôi hết, lứa heo này kịp bán vào dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Cũng mong đến thời điểm ấy, người người được tiêm vacxin, dịch Covid-19 được khống chế thì thị trường sẽ sôi động trở lại”, anh Bình hi vọng.
“Đối với những trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn hiện đang thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, ngành chức năng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho lực lượng lao động các trang trại này tiêm phòng vacxin phòng Covid-19 để họ yên tâm làm việc.
Về thị trường tiêu thụ trong tỉnh, Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên tiêm vacxin cho những người mua bán thịt gia súc, gia cầm tại các chợ truyền thống để chuỗi cung ứng được hanh thông, người chăn nuôi tiêu thụ được sản phẩm”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.