Thực hư nguồn trứng gà giá rẻ ngoài thị trường
Gần 1 tháng nay, chị H.L.L, một tiểu thương kinh doanh online ở xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc kinh doanh thêm mặt hàng trứng gà và được nhiều khách hàng ủng hộ do giá sản phẩm rẻ, chỉ 17.000 đồng/chục. Theo phản hồi của một số khách hàng, tuy trứng gà rẻ nhưng khá ngon nên sẽ ủng hộ thường xuyên.
Ngoài trứng gà, chị L còn bán cả trứng ấp dở, trứng chim cút và giá thành cũng rất rẻ. Các sản phẩm luôn có tại cửa hàng, sẵn sàng ship cho khách hàng bất cứ lúc nào.
Theo chị H.L.L, trứng gà được lấy ở các trang trại chăn nuôi trên địa bàn và một số huyện lân cận, tuyệt đối không phải là trứng gà Trung Quốc. Thời gian gần đây, do giá trứng ở các trang trại quá rẻ lên chị lấy thêm mặt hàng này về bán. Mỗi chục trứng, chị chỉ lấy lãi vài nghìn đồng với mong muốn bán được số lượng lớn để giải cứu cho người chăn nuôi và nâng cao thu nhập.
Cũng theo chị L, do giá trứng đợt này rẻ, để tiết kiệm chi phí đầu vào, thay vì cho ăn cám, nhiều chủ trang trại tận dụng bã sẵn cho gà ăn nên trứng rất thơm ngon. Giá trứng rẻ nên ngày nào chị L cũng bán được hàng trăm quả, thậm chí có ngày không có hàng để bán.
Để tìm hiểu thực hư nguồn gốc, cũng như nguyên nhân giá trứng gà rẻ trên thị trường, chúng tôi đã đến một số trang trại chăn nuôi ở huyện Tam Dương, Lập Thạch và được các chủ hộ chăn nuôi cho biết, từ Tết Nguyên đán 2024 đến nay, giá trứng gà giảm mạnh, đang ở giai đoạn rẻ chưa từng có.
Ông Đinh Văn Thành, thôn 8, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) cho biết: “Thời điểm này, trứng gà có thể cho nhau được vì quá rẻ. Những ngày qua, tại địa phương, trứng gà được thương lái thu mua với giá từ 11.000 – 12.000 đồng/chục. Do đó, nếu như trên thị trường, trứng gà được tiểu thương bán với giá 17.000 đồng/chục thì vẫn có lãi và không hẳn đã là trứng gà Trung Quốc”.
Hiện nay, hộ gia đình ông Thành đang nuôi 5.000 gà, trong đó có 2.000 gà đẻ, 3000 gà hậu bị. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông thu được 1.500 quả trứng. Toàn bộ số trứng sau thu hoạch đều được xuất bán cho tiểu thương, nhưng giá thu không đủ bù chi.
Ông Thành cho biết thêm: “Bình thường, giá trứng phải đạt 14.000 đồng/chục, người chăn nuôi mới hòa vốn. Còn giá trứng từ 11.000-12.000 đồng/chục như hiện nay thì lỗ, như gia đình tôi đang “âm” vốn khoảng 500.000 đồng/ngày”.
Theo các chủ trang trại gà, nguyên nhân khiến giá trứng gà giảm mạnh là do tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 ở các tỉnh, thành miền Nam diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ gặp khó khăn. Trong khi trứng gà ở các tỉnh, thành miền Bắc được thu mua, đưa vào miền Nam tiêu thụ khá lớn. Việc đầu ra gặp khó khiến giá trứng giảm mạnh”.
Chăn nuôi gà đẻ quy mô trang trại ở huyện Tam Dương.
Cùng cảnh ngộ chăn nuôi gặp khó khăn, ông Hoàng Văn Điều, xã Hoàng Hoa cho biết: Giá trứng xuống thấp nên mỗi ngày các hộ chăn nuôi bị lỗ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng (tuỳ thuộc quy mô chăn nuôi). Tuy nhiên, thời điểm này, hầu hết người chăn nuôi vẫn phải cố gắng duy trì số lượng đàn gia cầm hiện có, chờ giá trứng tăng trở lại. Nhưng theo nhận định, nếu giá trứng có tăng trở lại, nhiều khả năng cũng phải đến tháng 6 Âm lịch.
Theo phản ánh của người chăn nuôi, sau 7 năm, năm nay giá trứng gà tiếp tục tái diễn tình trạng rớt giá thảm hại. Trước đó, vào năm 2017, giá trứng cũng giảm mạnh, chỉ còn 8.000 đồng/chục, nhưng thời điểm đó giá cám rẻ. Còn hiện nay, giá cám tăng cao nên dù giá trứng bán chênh lên được 3.000 – 4.000 đồng/chục thì người chăn nuôi vẫn bị lỗ.
Chia sẻ thông tin với phóng viên, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tam Dương khẳng định, trứng gà trên thị trường hoàn toàn không phải là trứng gà Trung Quốc và thời điểm này giá trứng đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân của thực trạng này là do mất cân đối cung cầu cùng tình trạng chăn nuôi tự phát của người dân.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, quý I/2024, sản lượng trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng 5,3%. Tình trạng cung vượt cầu, thiếu thị trường tiêu thụ hàng hóa dẫn đến giá trứng giảm mạnh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Trên cơ sở đó, người dân mong muốn địa phương, các sở, ngành chức năng quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, có chính sách vay vốn ưu tiên, giảm lãi suất, giúp người chăn nuôi giảm thiểu thiệt hại kinh tế trong giai đoạn này.