Trà xanh phòng bệnh cầu trùng ở gà
Bệnh nguy hiểm
Cầu trùng là một trong những căn bệnh gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi gia cầm (Williams và cs., 1999). Gà bệnh bị phá hủy nghiêm trọng tế bào biểu mô ruột dẫn đến giảm hấp thụ chất dinh dưỡng, giảm cân nặng và giảm tỷ lệ đẻ (Dalloul và Lillehoj, 2005). Việc điều trị cầu trùng gà hiện nay chủ yếu dựa vào các chất hóa học, kháng sinh, nhưng do sử dụng lâu dài đã gây tồn dư các chất này trong sản phẩm và là nguy cơ tiềm ẩn nguy hại đối với sức khỏe con người (Chapman, 1997).
Công dụng của trà xanh
Nghiên cứu của Bùi Khánh Linh và cộng sự (2017) đã được thực hiện để đánh giá tác động của trà xanh đối với cầu trùng trên gà gây nhiễm với Eimeria tenella. Trong nghiên cứu này, trà xanh được pha loãng ở nồng độ 0,5% và cho gà uống khoảng 100 ml/ngày/gà trong vòng 7 ngày. 21 con gà Lương Phượng 1 ngày tuổi được nuôi trong lồng sạch, môi trường xung quanh vệ sinh bằng các chất khử trùng chuyên dụng. Theo dõi sạch bệnh trong vòng 2 tuần. Đàn gà gồm 21 con được chia thành các lô thí nghiệm như sau: Lô ĐC: Không gây nhiễm gồm 6 gà, toàn bộ gà cho uống nước cất; Lô GN1: Gồm 5 gà, gây nhiễm cầu trùng với liều 103 noãn nang/gà, không điều trị; Lô GN2: Gồm 10 gà, gây nhiễm cầu trùng với liều 103 noãn nang/gà và điều trị với trà xanh.
Vào các ngày 3, 5, 7 sau gây nhiễm, lần lượt mổ khám ngẫu nhiên từng gà ở lô thí nghiệm, để đánh giá tổn thương bệnh tích, đồng thời theo dõi các triệu chứng điển hình của gà ở các lô thí nghiệm.
Ở cả hai lô GN1 và GN2 đều thấy sự xuất hiện của noãn nang, nhưng số lượng noãn nang tăng cao hơn ở lô GN1(419×102 oocyst/g phân) so với lô GN2 ở ngày thứ 4 sau gây nhiễm. Số lượng noãn nang giảm 40% ở lô điều trị bằng trà xanh so với lô không điều trị. Một số nghiên cứu cho rằng trà xanh có khả năng tác động đến một số giai đoạn phát triển của đơn bào (G. Lorenzoni, 2010). Nguyên nhân là chất tanin trong trà xanh có khả năng ức chế vòng đời phát triển của đơn bào bằng cách tác động vào các giai đoạn phát triển của noãn nang ngay từ giai đoạn chưa phân chia bào tử dẫn đến mất khả năng gây bệnh (Molan, Z. Liu và S. De, 2009).
Kết quả trên cho thấy, trà xanh 0,5% có khả năng tác động đến sự phát triển của noãn nang và làm giảm 40% noãn nang bài thải ra ngoài môi trường. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, trà xanh 0,5% có tác dụng ức chế quá trình phân chia bào tử của noãn nang cầu trùng làm cho noãn nang không thể phát triển thành dạng gây nhiễm.