Trên 70% cơ sở giết mổ không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Trên 70% cơ sở giết mổ không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Có cơ sở đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại chỉ hoạt động được 15 - 30% công suất thiết kế, phải chuyển sang giết mổ trên sàn để duy trì hoạt động.

Sáng 3/6, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật và Triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Hội nghị kiểm soát giết mổ động vật

Theo Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung đang hoạt động.

Mỗi huyện cần ít nhất 1 cơ sở giết mổ tập trung

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện cả nước có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung đang hoạt động, công suất trên 349.000 trâu bò, 8,7 triệu con lợn và 78,6 triệu gia cầm 5 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp đều do các tập đoàn, công ty quy mô lớn hoặc liên doanh với nước ngoài đầu tư bài bản với kinh phí rất lớn.

Các cơ sở này đều giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến hiện đại, có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ trong cùng một khu vực sản xuất đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Hội nghị kiểm soát giết mổ động vật

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật và Triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Các cơ sở giết mổ dây chuyền công nghiệp này đòi hỏi động vật đưa vào giết mổ có kích cỡ đồng đều nhau và vận hành dây chuyền với số lượng lớn mới đảm bảo có lãi, vì vậy rất khó để cho các hộ nhỏ lẻ thuê gia công giết mổ động vật tại đây.

Một số cơ sở hoạt động vẫn chưa hết công suất thiết kế, gây lãng phí đầu tư của doanh nghiệp và kéo dài thời gian thu hồi vốn. Hầu hết các cơ sở hoạt động theo hình thức tập trung giết mổ tại các địa phương. 

Với mô hình này, các cơ sở do một số tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư xây dựng nhưng không tham gia giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật mà cho các hộ nhỏ lẻ kinh doanh thuê để giết mổ động vật.

Dù đây là nỗ lực đáng ghi nhận của các địa phương nhằm bảo đảm kiểm soát giết mổ song mô hình này còn nhiều bất cập như thiếu dây chuyền sơ chế, chế biến thịt, kho lạnh bảo quản sau giết mổ.

Cũng theo Cục Thú y, cả nước vẫn có 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ 7.362 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số còn lại 17,292 (trên 70%) không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.

Nhiều địa phương có trên 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ như Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương… Mặc dù các địa phương này đều không phải tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế không phải khó khăn, nhưng việc kiểm soát giết mổ vẫn chưa chuyển biến tích cực do chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức.

Trong khi đó, một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước, Cần Thơ báo cáo không có cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Đây là những địa phương có sự quan tâm, vào cuộc rất tích cực của chính quyền địa phương nên việc quản lý giết mổ động vật có chuyển biến rõ rệt, bà Nguyễn Thu Thủy đánh giá.

Bà Thủy cũng chỉ ra những khó khăn trong kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giết mổ động vật như kinh phí đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, bố trí địa điểm khó khăn, thủ tục thuê đất phức tạp, chi phí sản xuất lớn…

Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thu Thủy kiến nghị có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là các cá nhân, tổ chức khi đầu tư vốn xây mới cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn và đất đai… để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát, phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh, trong đó mỗi huyện phải có ít nhất 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Cơ sở giết mổ dây chuyền chỉ hoạt động 15-30% công suất

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hà Nội cho biết, Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật rất lớn, khoảng 800-900 tấn/ngày.

Trong khi đó, tổng lượng thịt gia súc, gia cầm hàng ngày từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn thành phố đạt trên 400 tấn/ngày, cộng thêm nguồn thịt nhập vào Hà Nội được kiểm dịch khoảng trên 150 tấn/ngày, chỉ tương đương 60% nhu cầu lượng thịt tiêu thụ tại thị trường Hà Nội được kiểm soát nguồn gốc ngay từ cơ sở. Còn lại, do các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ cung cấp ra thị trường.

Hiện nay, thành phố có tổng số 726 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công tập trung đang hoạt động đa số chưa hết công suất.

Có cơ sở đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại chỉ hoạt động được 15 - 30% công suất thiết kế, có cơ sở phải tạm ngừng hoạt động giết mổ hoặc chuyển sang giết mổ trên sàn (giết mổ bán công nghiệp) để duy trì hoạt động.

Một số cơ sở giết mổ bán công nghiệp hoạt động hiệu quả, nhưng sau khi thực hiện rà soát đã không đạt đủ các tiêu chí để đưa vào mạng lưới giết mổ của thành phố theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch.

Hội nghị kiểm soát giết mổ động vật

Tại TP Hồ Chí Minh, các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp chỉ vận hành với 50% công suất.

“Trong khi đó, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại số lượng lớn, hoạt động giết mổ rất đa dạng, phương thức chủ yếu là thủ công.

Đa số các điểm, hộ giết mổ này đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động nên nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cao”, ông Tường cho biết.

Chia sẻ chung thực trạng với Hà Nội, đại diện UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện vận hành đạt bình quân khoảng 50% công suất thiết kế, cần tìm thêm đối tác để hợp tác giết mổ gia súc nhằm đảm bảo công suất giết mổ đạt từ 80 - 100% theo định hướng.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư xây dựng và vận hành của các nhà máy giết mổ công nghiệp cao, nhưng giá giết mổ thu của các chủ gia công vẫn hỗ trợ như trước khi đầu tư Nhà máy giết mổ công nghiệp, không tăng giá, do đó về lâu dài dễ phát sinh tình trạng mất cân đối thu chi, hoàn vốn..., khó cạnh tranh với các cơ sở ở các tỉnh.

Trước thực tế này, đại diện Hà Nội kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 57/2018/NĐ-CP theo hướng hỗ trợ các loại hình giết mổ được chính quyền cấp phép hoạt động và hỗ trợ ngay khi thực hiện đầu tư để thu hút nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần ban hành quy định phân loại cơ sở giết mổ động vật dựa trên công suất giết mổ của cơ sở thay vì phân loại theo loại hình đăng ký kinh doanh như hiện nay để phù hợp với phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm.

Nhằm hỗ trợ các nhà máy giết mổ công nghiệp hoạt động và phát triển, tạo thế cạnh tranh công bằng với các cơ sở, UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất cho phép thành phố có biện pháp kiểm soát nguồn thịt từ các tỉnh đưa về thành phố Hồ Chí Minh để kinh doanh, chế biến, tiêu thụ phải có nguồn gốc được giết mổ từ các cơ sở giết mổ động vật tập trung, đảm bảo các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh theo quy định

Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, việc kiểm soát hệ thống giết mổ có vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị các sản phẩm chăn nuôi. Bên canh đó, kiểm soát phúc lợi động vật ở các cơ sở giết mổ cũng là cơ sở quan trọng để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố cần tập trung vào cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư vào cơ sở giết mổ. Các địa phương cần tăng cường nguồn ngân sách cho quản lý, đặc biệt là hệ thống thú y các cấp, tập trung chỉ đạo, giám sát 100% các cơ sở giết mổ.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Thú y phải tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thú y ở cơ sở, làm tốt truyền thông và nâng cao kiểm soát các cơ sở giết mổ, những nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các cơ sở. Đồng thời, hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế để Việt Nam có điều kiện tốt quản lý cơ sở giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.