Triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi

Triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh tiến hành Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trong chăn nuôi.

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, trong 2 tháng đầu năm 2022, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra ở phạm vi rộng là rất cao, vì: Tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn (khoảng 515 triệu con gia cầm, gần 27 triệu con lợn, trên 12 triệu con gia súc ăn cỏ).

Các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh vào các dịp lễ hội đầu năm, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số. Thời tiết biến động bất lợi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan. Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh Covid-19.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan; đồng thời để ngăn ngừa bệnh truyền lây cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Bộ NN- PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức thực hiện:

Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao, thường xuyên xuất hiện dịch bệnh để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt trên địa bàn cấp tỉnh từ ngày 15/3/2022.

Nội dung thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN- PTNT; trong đó tập trung những nội dung sau: UBND các tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, giao Sở NN- PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành của địa phương và UBND các cấp 2 triển khai thực hiện; bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; lưu ý kinh phí mua hóa chất tiêu diệt các loại véc tơ truyền bệnh, nhất là véc tơ truyền bệnh viêm da nổi cục.

Những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y. Chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý. Cơ quan kiểm dịch động vật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu tham mưu cho Ban quản lý cửa khẩu tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu.

Chính quyền cấp xã tổ chức các đội tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu,..; việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch,...

Tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thú y, các Chương trình, Kế hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN- PTNT phê duyệt, chỉ đạo. Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định…