Trình Chính phủ sửa nghị định xuất khẩu gạo

Trình Chính phủ sửa nghị định xuất khẩu gạo

Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xuất khẩu gạo, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi để xem xét thông qua.

Thông tin trên được ông Chinh nêu ra tại hội nghị “Triển khai thực hiện chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030” được tổ chức hôm nay, 17/10, tại TP.HCM.

Trao đổi bên lề hội nghị này, ông Chinh cho biết, dự thảo sửa đổi nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ tháo gỡ nhiều “nút thắt” cho doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này.

Cụ thể, theo ông Chinh, điều kiện xuất khẩu gạo quy định tại Nghị định 109 yêu cầu doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu gạo phải có kho chứa quy mô tối thiểu 5.000 tấn và nhà máy xay xát có công suất tối thiểu 10 tấn/giờ, nhưng trong dự thảo sửa đổi trình Chính phủ không còn quy định này.

Tuy nhiên, theo ông Chinh, dự thảo mới vẫn quy định doanh nghiệp phải có kho chứa, cơ sở xay xát phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Về thủ tục, theo ông Chinh, trước đây tiến hành theo phương pháp tiền kiểm, còn bây giờ chuyển sang hậu kiểm, tức doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn, chỉ việc gửi hồ sơ về Bộ Công Thương, đơn vị này sẽ cấp phép cho tham gia xuất khẩu gạo.

“Quy định mới cũng không yêu cầu phải có xác nhận của Sở Công Thương”, ông nói và cho biết nhưng các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hồ sơ, giấy tờ của mình. “Sau khi cấp phép xong, Bộ Công Thương cùng các địa phương sẽ tiến hành hậu kiểm”, ông nói.

Một điểm mới nữa, theo ông Chinh, dự trữ gạo lưu thông nếu trước đây quy định 10%, thì hiện nay chỉ cần 5% là đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, nếu trước đây doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải đăng ký thông tin hợp đồng tại Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), mới được làm thủ tục hải quan, thì trong dự thảo trình Chính phủ cũng đã được bãi bỏ.

“Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu tại VFA trong nghị định sửa đổi Nghị định 109 theo hướng các doanh nghiệp có hợp đồng, thì xuất khẩu. Còn Bộ Công Thương và các bộ, ngành sẽ lấy số liệu từ hải quan để phục vụ điều hành”, ông cho biết.

Theo ông Chinh, hiện nay Chính phủ đang xem xét và dự kiến trong một khoảng thời gian ngắn nữa sẽ thông qua.

Trước đó, đã có không ít doanh nghiệp lên tiếng phản đối nghị định xuất khẩu gạo năm 2010 vì cho rằng cản trở việc việc xuất khẩu của họ.

Điển hình như trường hợp Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Viễn Phú, ông Võ Minh Khải, tổng giám đốc công ty này cho rằng, đã bở lỡ nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo do vướng quy định kho chứa 5.000 tấn và công suất nhà máy tối thiểu 10 tấn/giờ. Bởi theo ông, việc đầu tư quy mô lớn như vậy, trong khi đặc thù sản xuất gạo hữu cơ của công ty ông có quy mô sản lượng nhỏ nên không có hiệu quả.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng nhiều lần lên tiếng phản đối Nghị định 109 về quy định đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với VFA vì cho rằng “lộ” thông tin làm ăn của doanh nghiệp.