Trồng 1 tỷ cây xanh: Cần ưu tiên trồng cây phân tán bản địa

Trồng 1 tỷ cây xanh: Cần ưu tiên trồng cây phân tán bản địa

Theo các nhà khoa học Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, chương trình trồng 1 tỷ cây xanh cần tập trung chính vào cây phân tán bản địa.

Bài học trồng cây trên bờ ruộng tại Thái Lan

TS Trần Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng, chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động có ý nghĩa rất lớn, đề án phù hợp về cả thời gian lẫn thời điểm.

Mô hình trồng cây bạch đàn phân tán trên bờ ruộng lúa tại Thái Lan của Công ty Doublue A. Ảnh: SRI.

Theo TS Đồng, tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam đã đạt 42% với trên 14 triệu ha. Do đó, dư địa để trồng rừng với diện tích quy mô lớn không còn nhiều nên việc tập trung khảo sát, nghiên cứu dư địa trồng cây phân tán gắn với cảnh quan, môi trường, kết hợp kinh tế rất phù hợp điều kiện địa lí, kinh tế của Việt Nam hiện nay.

TS Đồng chia sẻ, kinh nghiệm trồng cây phân tán rất thành công của một doanh nghiệp giấy tại Thái Lan sẽ là gợi ý khá hay với Việt Nam. Cụ thể, Công ty Doublue A tại Thái Lan đã kết hợp với nông dân tiến hành trồng cây bạch đàn phân tán trên bờ ruộng khắp các vùng trồng lúa của Thái Lan.

Ban đầu, các nhà chức trách lo lắng cây bạch đàn sẽ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng lúa, nhưng do bạch đàn tán thưa, cây thẳng nên ảnh hưởng tới cây lúa không đáng kể. Bên cạnh đó, nông dân sau khi được phía Công ty Doublue A cấp giống, chỉ phải trồng duy nhất một lần, sau khi tiến hành khai thác gỗ, gốc bạch đàn lại nẩy mầm và 4 - 5 năm sau lại cho thu hoạch tiếp.

Thật bất ngờ, chỉ với mô hình kết hợp với nông dân trồng bạch đàn trên bờ ruộng lúa mà mỗi năm Công ty Doublue A thu hoạch sản lượng gỗ lên tới 7 triệu m3, tức bằng 1/4 tổng sản lượng gỗ khai thác hàng năm của Việt Nam.

Mô hình trồng cây phân tán này cũng giúp Công ty Doublue A giảm giá thành sản phẩm, vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất giấy hàng đầu tại Thái Lan. Sản phẩm gỗ bạch đàn từ mô hình trồng trên bờ ruộng của Công ty Doublue A còn được cơ quan chức năng Thái Lan cấp chứng rừng bền vững.

Mỗi năm Công ty Doublue A tại Thái Lan thu về 7 triệu m3 gỗ từ trồng cây bạch đàn phân tán trên bờ ruộng, bằng 1/4 tổng diện tích gỗ khai thác hàng năm của Việt Nam. Ảnh: SRI.

Từ câu chuyện thành công trong việc kết hợp với nông dân trồng cây bạch đàn phân tán trên bờ ruộng lúa tại Thái Lan của Công ty Doublue A, TS Trần Lâm Đồng đánh giá, Việt Nam có tiềm năng trồng cây phân tán rất lớn.

Theo TS Đồng, ngoài việc nghiên cứu mô hình trồng cây bạch đàn trên bờ ruộng, bờ ao như tại Thái Lan, Việt Nam có thể nghiên cứu để trồng cây phân tán trên hệ thống đường giao thông nông thôn, đường cao tốc, đường làng. Bên cạnh đó là trồng cây tại các khu đất cộng đồng, công cộng như đình, đền, chùa, các quỹ đất công của thôn, xóm, xã, nghĩa trang… sẽ được một diện tích rất lớn.

“Hiện nay, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đang ngày một khó khăn khi rất nhiều nước đã tạm dừng xuất khẩu gỗ tròn.

Việc chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang rừng sản xuất cũng đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong khi với 5 triệu ha rừng trồng, nếu chuyển sang trồng rừng gỗ lớn để nâng cao năng suất, sản lượng gỗ cũng chỉ tăng tối đa thêm khoảng 20% nên khó đáp ứng được nhu cầu gỗ cho chế biến trong tương lai.

Do đó, giải pháp nâng cao năng suất gỗ ở khu vực trồng cây phân tán là giải pháp khả thi và triển vọng và thực tế hiện mỗi năm Việt Nam vẫn thu hoạch trên 4 triệu m3 gỗ từ cây phân tán.”

(TS Trần Lâm Đồng)

Tập trung trồng giống cây bản địa

Cũng theo TS Trần Lâm Đồng, hiện quy trình, kỹ thuật để trồng rừng hay trồng cây phân tán đã rất phổ biến và không có gì phức tạp. Vấn đề còn băn khoăn hiện nay là lựa chọn được giống cây trồng phù hợp với mục đích sử dụng, địa lí, địa hình từng vùng miền.

Theo tính toán của các nhà khoa học lâm nghiệp, nếu trồng rừng tập trung thì với 1 tỷ cây xanh, chỉ cần khoảng từ 700 nghìn ha đến 1 triệu là đủ. Tuy nhiên, nếu trồng cây phân tán, sẽ cần diện tích gấp đôi vì mật độ trồng thấp (từ 500 - 1.000 cây/ha).

Về nguồn giống phục vụ cho chương trình 1 tỷ cây xanh, TS Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho biết, tập đoàn giống lâm nghiệp của Việt Nam hiện nay rất đa dạng, hoàn toàn đáp ứng được.

Tuy nhiên, TS Kiên cho rằng, nên tập trung vào các giống cây bản địa của Việt Nam đã có hệ thống vườn ươm và nằm trong danh mục các loài cây lâm nghiệp phổ biến để có thể cung cấp được số lượng lớn cây giống, chất lượng cây giống được đảm bảo, chất lượng lâm sinh, sinh thái và gỗ đã được nghiên cứu, đánh giá.

TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ, trước đây chúng ta có chương trình 661, giai đoạn 2005 - 2010 xây dựng một loạt các vườn ươm tại các tỉnh, thành và hiện vẫn còn những vườn ươm được duy trì, hoạt động tốt.

Người dân, doanh nghiệp, tổ chức có thể liên hệ với những vườn ươm này để có được các giống cây trồng bản địa trồng rừng phân tán, rừng tập trung phù hợp với mục đích, đặc thù địa lý, địa hình, sinh thái của địa phương mình.

Theo các nhà khoa học của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, nguồn giống cây bản địa của Việt Nam rất đa dạng, phong phú, đáp ứng đủ số lượng và chất lượng cho chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Ảnh: Vafs.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, hiện có khá nhiều giống cây bản địa đã được nghiên cứu và đánh giá phù hợp với trồng cây phân tán kết hợp cảnh quan, kinh tế tại nước ta mà nguồn giống đang sẵn có, đủ cung cấp số lượng lớn phục vụ đề án 1 tỷ cây xanh như: keo lá tràm, bạch đàn, thông, xoan ta, lát hoa, sao, dầu, mỡ, dổi, chò chỉ, chò vẩy, sồi phảng, huỳnh liên, thanh thất, sến trung, chiêu liêu, long nhãn, nhội, xoài, sưa, chay, sang, bứa, gù hương, sấu, giáng hương…

Những loại cây này được đánh giá tốt về cảnh quan, môi trường, dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ nhân giống mà về lâu dài cũng mang lại giá trị kinh tế cao.

Ngoài danh mục hệ thống cây cảnh quan đô thị đã được bên ngành xây dựng chọn lọc và công bố, TS. Nguyễn Đức Kiên kiến nghị, ngành nông nghiệp, giao thông và xây dựng nên có sự phối hợp với nhau để ban hành và hướng dẫn danh mục những loại cây xanh phục vụ cho trồng làm cảnh quan, chắn sáng, chắn tiếng ồn tại các con đường cao tốc, đường quốc lộ, đường giao thông sao cho phù hợp và tối ưu nhất.

Hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có quy định các loại cây trồng hai bên đường cao tốc, đường giao thông, quốc lộ, như Trung Quốc chọn cây gỗ tếch.

Tại Việt Nam, thời gian vừa qua, rất nhiều đường cao tốc, quốc lộ được các đơn vị chủ quản chọn cây keo lai để trồng nay bộc lộ khá nhiều bất cập. Do cây keo lai lớn nhanh, thân mềm, hay gãy đổ khi gặp mưa bão gây nguy hiểm cho các phương tiện cơ giới đi lại trên đường.

Bên cạnh đó, trồng keo lai rất tốn chi phí nhân công cắt tỉa cành lá hàng năm, keo lại rụng lá nhiều nên dễ xảy ra cháy vào mùa khô, nên keo lai không phải là giống cây phù hợp để trồng hai bên đường cao tốc.

Trao đổi với Báo nông nghiệp Việt Nam, PGS. TS Phí Hồng Hải, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam khẳng định đề án trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng phát động hoàn toàn khả thi cả về mặt thực tiễn và khoa học.

Theo TS Hải, trong tổng số 1 tỷ cây xanh nên ưu tiên khoảng 2/3 dành cho trồng cây phân tán và 1/3 là trồng rừng tập trung cải tạo lại các khu rừng phòng hộ, rừng tái sinh, rừng sản xuất để cải thiện môi trường, cảnh quan và môi sinh.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phí Hồng Hải khuyến nghị nên tập trung và ưu tiên trồng các loài cây bản địa đã được nghiên cứu và tập hợp và ban hành danh mục phù hợp với 7 vùng sinh thái lâm nghiệp của Việt Nam, bởi cây bản địa vừa mang ý nghĩa bảo tồn vừa có giá trị kinh tế bên cạnh lợi ích về cảnh quan môi trường.