Trồng cây trên luống hạn chế được bệnh từ đất
Ở Tây Nguyên, Thừa Thiên – Huế và nhiều tỉnh, thành khác, đang có một sai lầm lớn trong canh tác cây ăn trái, cây tiêu… là đào hố sâu rồi trồng cây xuống.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, đất nông nghiệp ở nước ta đang càng ngày càng bị phèn đi, đó là cách nói của dân gian. Hay nói theo khoa học là đất đang bị axit hóa. Nguyên nhân là do bón phân hóa học quá nhiều mà không bón hữu cơ, không cung cấp vi sinh vật cho đất, nên độ pH của đất càng ngày càng thấp. Khi độ pH trong đất giảm xuống thấp, sẽ thích hợp cho sự phát triển của nhiều vi sinh vật, nấm có hại cho cây. Điều đó khiến cho nhiều loại bệnh từ đất đang ngày càng nguy hiểm hơn đối với cây ăn trái và nhiều loại cây trồng khác. Gần đây nhất là bệnh vàng lá thối rễ trên cam, quýt, bưởi...
Bệnh từ đất khó trị nhất là bệnh do nấm Fusarium gây ra. Điển hình về bệnh do nấm Fusarium là bệnh vàng lá Panama trên cây chuối, hay bệnh vàng lá thối rễ trên cam, quýt, bưởi, chuối… Các vườn quýt tiều ở Lai Vung (Đồng Tháp) đã bị hỏng gần hết do vàng lá thối rễ. Cam Cao Phong ngoài Bắc cũng bị vàng lá thối rễ nặng nề do Fusarium.
Một bệnh rất quan trọng khác cũng từ nấm là bệnh do nấm Phytophthora gây ra. Nấm này có diện phá hoại rất rộng: sầu riêng, cam, quýt, bưởi, chanh, bơ, ca cao, dứa, đu đủ, tiêu… Nhiều diện tích những loại cây trồng này đã gây hại nặng nề bởi nấm Phytophthora.
Như ông đã nói, những bệnh do nấm Fusarium đang gây hại nặng nề ở nhiều nơi. Phải phòng trị bệnh do nấm này như thế nào?
Bệnh do nấm Fusarium rất là khó trị, hầu như chưa thể trị được. Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới người ta cũng đang rất khó trị bệnh này. Chính vì vậy, chỉ có một biện pháp duy nhất là phòng bệnh bằng cách đưa độ pH trong đất lên. Đồng thời đưa vào đất những loại nấm đối kháng. Khi đưa nấm đối kháng vào đất, cần đưa cả phân hữu cơ vì phân hữu cơ giúp tăng độ pH, qua đó giúp cho đất không còn phù hợp cho sự phát triển của những nấm có hại, mà thuận lợi hơn cho sự phát triển của những nấm có lợi. Phân hữu cơ còn là nguồn thức ăn quan trọng cho nấm có lợi. Nấm có lợi phát triển tốt sẽ tiêu diệt những nấm có hại.
Với các vườn chuối, để phòng chống bệnh vàng lá Panama cần phải dùng biện pháp rào vườn lại để mọi người không thể ra vào vườn một cách thoải mái, thích vào ngả nào thì vào, muốn ra chỗ nào thì ra. Khi rào vườn chuối lại thì chỉ bố trí một cửa duy nhất để ra vào. Ngay chỗ cửa này phải có bể khử trùng. Mọi người khi vào hay ra vườn đều phải được khử trùng nhằm ngăn việc mang mầm bệnh từ bên ngoài vào vườn chuối hoặc mang bệnh từ vườn chuối đó (nếu vườn bị bệnh) tới những vườn chuối khác.
Các bệnh do nấm Phytophthora gây ra cũng đang gây hại không nhỏ trên diện rộng cho rất nhiều loại cây trồng. Cách nào để phòng trị bệnh này, thưa ông?
Khác với bệnh do Fusarium, bệnh do Phytophthora gây ra, nếu ở mức độ nhẹ có thể chữa được bằng một số loại thuốc chuyên biệt.
Nhưng thay vì chữa khi cây có bệnh, tốt hơn hết vẫn là phòng bệnh cho cây trồng. Trước hết là phải chọn đất trồng phù hợp. Với những loại cây đã bị gây hại bởi Phytophthora, đất trồng phù hợp nhất là đất có khả năng thoát nước tốt. Theo đó, nơi nào đất sét nhiều thì không phù hợp để trồng cây ăn trái và một số loại cây trồng khác như cây tiêu. Thực tế ở Tây Nguyên cho thấy, diện tích tiêu bị bệnh và chết tập trung nhiều ở những nơi mà đất sét nhiều quá, khiến cho khả năng thoát nước của đất bị kém.
Điều quan trọng nhất để phòng chống bệnh do Phytophthora là phải thay đổi cách canh tác đối với cây ăn trái, cây tiêu… ở nhiều địa phương. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Thừa Thiên – Huế và nhiều tỉnh, thành khác, đang có một sai lầm lớn trong canh tác cây ăn trái, cây tiêu… là đào hố sâu rồi trồng cây xuống. Trồng cây trong hố sâu như vậy, nước mưa hoặc nước tưới cây rất dễ đọng lại ở gốc cây khiến cho rễ bị thối làm cây chết. Nhiều vườn tiêu ở Tây Nguyên bị chết vì bệnh do Phytophthora là do cây tiêu được trồng vào những hố sâu.
Sầu riêng trồng sai cách ở Tây Nguyên, dễ bị bệnh xì mủ do Phytophthora.
Cây bưởi trồng đúng cách, rễ chắc khỏe nổi trên mặt đất.
Ở các nước, khi trồng cây ăn trái, người ta không bao giờ đào hố sâu để trồng cây vào, mà trồng cây trên luống. Trồng trên luống sẽ giúp cho việc thoát nước được dễ dàng, nước không đọng ở gốc cây, nên hạn chế rất nhiều sự phát sinh của Phytophthora.
Chẳng nói đâu xa, ngay ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều loại cây ăn trái từ lâu đã được nông dân trồng trên luống, trên những mô đất được đắp cao. Vì vậy, cây ăn trái ở ĐBSCL đã hạn chế được bệnh do Phytophthora.
Việc tủ gốc để giữ ẩm cho cây trong mùa khô hiện đang được nông dân nhiều nơi áp dụng rộng rãi. Nhưng tủ gốc cũng cần phải làm đúng kỹ thuật để phòng ngừa Phytophthora. Nhiều người đang tủ rơm rạ vào sát gốc cây. Làm như vậy là sai, vì khi tưới nước cho cây, rơm rạ đó sẽ hút và giữ lại nước, khiến cho gốc cây bị ẩm ướt, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để phát sinh Phytophthora cũng như các loại nấm gây bệnh khác. Do đó, khi tủ gốc thì phải tủ cách gốc cây một khoảng cách nhất định để đảm bảo nguyên tắc phòng bệnh từ nấm là giữ cho gốc cây được khô ráo, không bị ẩm ướt.
Để giữ cho gốc cây được thông thoáng, khô ráo, cũng cần áp dụng biện pháp tỉa bỏ lá, cành sát gốc. Như vậy, sẽ hạn chế được sự phát sinh của nấm bệnh ở gốc cây.
Trồng chanh dây trên luống để phòng Phytophthora ở Đài Loan.
Bên cạnh đó, để cải thiện độ pH cho đất, nông dân cần phải chú trọng việc bón vôi cho vườn cây. Cứ 2 năm thì có thể bón vôi một lần. Mùa mưa thường tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển mạnh, nên phải chủ động xịt thuốc ngừa nấm mỗi tháng một lần cho đến khi kết thúc mùa mưa. Ngoài ra, việc đưa nấm có lợi, nấm đối kháng như Trichoderma vào trong đất cũng rất quan trọng trong việc khống chế Phytophthora. Xin nhắc lại rằng, khi đưa nấm có lợi, nấm đối kháng vào trong đất thì phải bón phân hữu cơ. Phân hữu cơ vừa góp phần cải tạo đất, tăng độ pH, vừa làm thức ăn cho nấm có lợi, nấm đối kháng.
-----------------------------------------------------
Ông vừa nói tới việc nông dân ĐBSCL nhìn chung đang canh tác đúng khi trồng nhiều loại cây ăn trái trên luống chứ không phải trong hố sâu như nhiều nơi khác. Đó là nhờ tập quán canh tác hay nhờ họ có kinh nghiệm nhiều hơn trong việc trồng cây ăn trái?
Từ xưa, nông dân ĐBSCL đã biết cách trồng cây ăn trái trên luống để phòng bệnh. Điều này thể hiện rất rõ qua câu của ông bà “Trồng trầu thì phải khai mương”. Trầu là loại cây có họ hàng với cây tiêu, cũng bị tấn công bởi Phytophthora. Do đó, để phòng bệnh này, từ xưa, nhiều nông dân ĐBSCL đã biết trồng trầu, trồng cây ăn trái trên luống và khai mương để đất dễ thoát nước.
Vào năm 1998, chúng tôi đã phối hợp với Úc, thực hiện một dự án phòng trị bệnh do nấm Phytophthora trên cây sầu riêng ở ĐBSCL. Các chuyên gia Úc đã phổ biến cho mình kỹ thuật trồng để phòng và thuốc chuyên trị Phytophthora. Dự án đó đã đưa quy trình trồng sầu riêng ở ĐBSCL vào nề nếp. Quan trọng hơn, quy trình này có thể áp dụng cho những cây khác cũng bị Phytophthora gây hại như tiêu, bơ, bưởi… Về nhiều nhà vườn ở ĐBSCL, rất dễ thấy những cây sầu riêng được trồng trên những mô đất cao, nhìn thấy rễ. Kinh nghiệm cho thấy khi vào vườn cây ăn trái nào mà thấy cây trồng trên luống, nhìn thấy rễ thì vườn đó trồng đúng cách trong việc phòng Phytophthora. Còn vườn nào cây trồng trong hố, không nhìn thấy rễ đâu, là đã trồng sai cách.