Trồng đậu xanh trên đất khô hạn
Ông Lê Văn Lại ở thôn An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị có 2 sào đất ở vùng Cồn Màu chuyển đổi sang trồng đậu xanh hiệu quả.
Trước đây đến vụ hè thu là gia đình ông bỏ hoang hoặc trồng các cây trồng khác như sắn, khoai... mang lại hiệu quả kinh tế không cao lại tốn công chăm sóc. Từ hiệu quả của mô hình chuyển đổi sang trồng đậu xanh vụ hè thu 2019 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai, vụ hè thu năm nay ông Lợi tiếp tục duy trì mô hình trồng đậu xanh đã cho hiệu quả hơn hẳn các cây trồng khác.
Gặp chúng tôi ông Lợi cho biết cây đậu xanh ĐX 208 đặc biệt thích nghi và phát triển tốt với đồng đất tại địa phương, sức chống chịu hạn cao, ít bị nhiễm sâu bệnh, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, thời gian gieo trồng ngắn nhưng cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong những ngày này, ông Lợi đang thu hoạch lứa đậu thứ 3, ông cho biết năm nay tuy thời tiết nắng hạn nhưng nhờ áp dụng đúng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên vườn đậu xanh vẫn cho năng suất cao 60kg/sào. Với giá cả trên thị trường hiện nay thì ước tính 1 ha trồng đậu xanh cho lợi nhuận khoảng 18-20 triệu đồng/vụ, gấp 2 – 2,5 lần trồng lúa. Tính ra việc thì trồng đậu xanh lãi hơn rất nhiều nếu cùng chân đất này mà trồng các loại cây trồng khác.
Việc chuyển những diện tích đất không chủ động nước tưới sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế như cây đậu xanh là giải pháp hợp lý, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Cùng với đó, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng cạn trong vụ hè thu để tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất hoặc canh tác kém hiệu quả, mang lại kết quả khả quan.
Niềm vui được mùa đậu xanh.
Ông Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng phòng Truyền thông Đào tạo và Thị trường, Trung tâm Khyến nông Quảng Trị cho biết: Trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, triển khai nhân rộng mô hình này trên những diện tích đất sản xuất trước đây bị bỏ hoang vụ hè thu, nhằm giúp bà con thay đổi phương thức canh tác theo hướng bền vững, nâng cao trình độ thâm canh, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo thêm thu nhập cho nông dân.