Trồng sâm bố chính ở 'đất võ', bỏ túi ngay nửa tỷ đồng
Thành công bất ngờ với giống "sâm tiến vua”
Anh Trần Minh Tâm (42 tuổi) ở Tổ 4, khu vực Kim Châu, phường Bình Định (Thị xã An Nhơn, Bình Định) vốn là người rất năng động. Thời trẻ, anh làm đủ mọi nghề, từ thợ mộc đến trồng nấm, trồng cây cảnh, làm bánh mì, bán quán nhậu.
Anh Trần Minh Tâm ở Tổ 4, khu vực Kim Châu, phường Bình Định (Thị xã An Nhơn, Bình Định) hạnh phúc với vườn sâm của mình.
Công việc cuối cùng anh làm trước khi về trồng sâm là bán quán nhậu. Quán nhậu của anh khá bình dân, nhưng nhờ tính tình vui vẻ và tay nghề nấu nướng của vợ nên quán của Tâm luôn đông khách. Đến khi trên địa bàn phường Bình Định quán nhậu mọc nhan nhản, phải cạnh tranh khốc liệt để kéo được khách, anh Tâm thấy tuổi của mình không còn phù hợp để “chen lấn” trong làng quán nhậu, nên anh quyết định về với ruộng vườn.
Vườn sâm bố chính 14.000 cây của anh Trần Minh Tâm.
Về với ruộng vườn, anh bắt tay vào trồng cây cảnh, rồi trồng nấm, nhưng không công việc nào thành công. Năm 2021, anh Tâm được một người quen làm nghề chạy xe tải đường dài tặng cho 7 cây sâm bố chính có nguồn gốc từ Quảng Bình, anh mang về trồng thử.
Hỏi “ông google”, anh Tâm được biết sâm bố chính còn được gọi là sâm thổ hào, là loài thực vật có hoa trong họ cẩm quỳ. Sâm thổ hào trước kia có nguồn gốc tại Thanh Hà (Thanh Chương, Nghệ An). Qua thời gian, những cây sâm thổ hào trong tự nhiên bị khai thác dần cạn kiệt. Đặc biệt, từ Thế kỷ 14, loại sâm này từng được mệnh danh là “sâm tiến vua”, được danh y Hải Thượng Lãn Ông dùng làm thuốc lần đầu tiên tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), nên từ đó có tên gọi là sâm bố chính.
Anh Trần Minh Tâm thuê nhân công chăm sóc vườn sâm để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Với cái “lý lịch” quá “sang trọng” của sâm bố chính, anh Tâm quyết tâm trồng loại sâm này. Qua thời gian trồng thử nghiệm, anh Tâm nhận thấy giống sâm này dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, lại đang có tiềm năng trên thị trường, nên anh quyết định đầu tư nhân rộng. Đến nay, gia đình anh đã trồng được 14.000 cây sâm bố chính trên diện tích 7.000m2, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng.
“Trong cái rủi có cái may, nếu như năm 2021 không bị ảnh hưởng dịch Covid-19, cũng chưa chắc tôi có thời gian để gắn bó với cây sâm bố chính. Dịch giã, khắp nơi phong tỏa, tôi lấy mảnh vườn làm vui nên mới nhân rộng được cây sâm bố chính lên đến 14.000 cây.
Bây giờ thì tôi thực sự vui vì mình đã có duyên với cây trồng này, vui hơn là tôi đã vượt qua khó khăn ban đầu. Bao công sức, vốn liếng đầu tư vào vườn sâm bố chính giờ đã gần đến lúc hưởng quả ngọt. Hiện, cây sâm bố chính có nguồn gốc ở xứ người hầu như đã thuần hóa với thổ nhưỡng ở Bình Định, cây phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch”, anh Tâm chia sẻ.
Giá thấp nhất 400 nghìn/kg củ tươi
Theo anh Tâm, khi hiểu được đặc tính thì cây sâm cũng rất dễ trồng, nhưng để đạt năng suất cao phải đầu tư thâm canh. Để cây sâm cho củ to, lúc đầu phải đặc biệt chú trọng vào khâu làm đất. Làm đất kỹ sẽ tránh được mầm bệnh, tuyến trùng gây hại cho cây.
“Việc chăm sóc cây không có gì nhiêu khê, chỉ cần thường xuyên dọn cỏ, tưới nước đủ ẩm, nhất là trong thời gian mới trồng. Hàng ngày phải thường xuyên thăm vườn, kiểm tra cây, nếu phát hiện các loại sâu ăn lá, côn trùng gây hại thì phải có biện pháp xử lý kịp thời.
Do đây là cây dược liệu, nên phải được bón phân hữu cơ để sản phẩm không bị nhiễm bất kỳ hóa chất nào. Trong quá trình trồng, tôi chăm sóc cây thuận theo tự nhiên, không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, dược tính trong sâm được tăng cao, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng”, anh Tâm chia sẻ thêm.
Mỗi gốc sâm bố chính anh Tâm thu hoạch được từ 0,2 - 0,3kg củ tươi.
Cũng theo anh Tâm, sâm bố chính củ sau khi thu hoạch được phân thành 4 loại, mỗi loại có giá bán khác nhau. Loại 1 (4 củ/kg) hiện có giá 750.000đ/kg, loại 2 (5 củ/kg) hiện có giá 700.000đ/kg, loại 3 (6 củ/kg) có giá 500.000đ/kg, thấp nhất là loại 4 (7 - 8 củ/kg) có giá 400.000đ/kg.
“Với 14.000 gốc sâm hiện có của gia đình, mỗi gốc tôi thu được từ 0,2 - 0,3kg. Với giá bán như hiện nay từ 400.000 - 750.000đ/kg củ sâm tươi, sau khi trừ mọi khoản chi phí, tôi còn lãi được khoảng 400 - 500 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn cung cấp cây giống cho các hộ dân ở địa phương, với giá bán 10.000 - 15.000đ/cây giống, tôi có thêm được khoản thu nhập kha khá. Hiện tôi đã làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ để được xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm sâm tôi trồng”, anh Tâm chia sẻ.
Cây sâm con anh Tâm ươm để cung ứng cho người trồng trong địa phương.
Theo ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã An Nhơn, đối với người dân địa phương, cây sâm bố chính là loại cây trồng “mới tinh”. Bước đầu, loại cây trồng này đã cho thấy tính thích nghi với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt là mang lại giá trị kinh tế cao. Việc đưa cây dược liệu này vào trồng thử nghiệm đã làm đa dạng hóa các loại cây trồng trên địa bàn Thị xã.
“Với hiệu quả kinh tế mang lại, cây sâm bố chính sẽ từng bước thay thế các loại cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế thấp trên địa bàn. Từ nay, người dân địa phương sẽ có thêm sự lựa chọn cho đồng đất của mình. Với hiệu quả mang lại, cây sâm bố chính sẽ giúp nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập”, ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã An Nhơn chia sẻ.