Trung Quốc đạt bước tiến kỷ lục về cây chịu mặn với cải dầu
Trung Quốc vừa thông tin về bước tiến “kỷ lục” trong việc gieo trồng cải dầu trên đất mặn. Động thái này được cho là sẽ giúp Bắc Kinh giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trước xu hướng bảo đảm an ninh lương thực dù sau đây còn nhiều công đoạn cần thực hiện để áp dụng công nghệ trồng trọt này trên diện rộng.
Các loài và công nghệ chịu mặn mới đã được thử nghiệm trên diện tích 13,3ha vùng đất mặn ở Đông Đài – một thành phố cấp huyện ven biển ở phía đông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, theo một báo cáo của China Science Daily, cơ quan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Báo cáo cho biết thêm rằng “một kỷ lục mới về sản xuất hạt cải dầu từ đất mặn” đã được ghi nhận với tổng sản lượng hạt cải dầu đạt được là 323,87kg trên mỗi 0,07ha thu hoạch, tăng 59,5% so với năng suất trung bình.
Tổng sản lượng dầu thu được từ hạt cải dầu có thể đạt 163,17kg/0,07ha, tương ứng với mức tăng 82,7%.
Báo cáo lưu ý: “Hiện có 12,3 triệu ha đất mặn ở Trung Quốc có thể được sử dụng để trồng trọt trong khi nước này đang đối mặt với rủi ro cao về an ninh nguồn cung vì 70% dầu thực vật được nhập khẩu từ nước ngoài”.
Hạt cải dầu là cây trồng sản xuất dầu hàng đầu của Trung Quốc có khả năng chịu mặn vượt trội. Động thái này là bằng chứng mới nhất về nỗ lực tự cung tự cấp của Bắc Kinh, được cho là có ảnh hưởng sâu sắc đến các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 1,06 triệu tấn dầu hạt cải vào năm ngoái, giảm 50,7% so với một năm trước đó. Nga chiếm khoảng một nửa tổng lượng nhập khẩu, và Canada chiếm 1/5.
Các vùng đông bắc, tây bắc và ven biển của Trung Quốc, thượng lưu sông Hoàng Hà và đồng bằng Hoa Bắc là năm khu vực nhiễm mặn phù hợp với điều kiện khí hậu để trồng cây cải dầu.
Trong bài đăng trên tạp chí xuất bản tháng 11 trên MDPI, Li Qing, Phó Giáo sư tại Đại học Bách khoa Đại Liên, cho biết “hạt cải dầu có lịch sử trồng lâu đời ở Trung Quốc” và dầu của nó là một trong ba loại dầu ăn nổi bật nhất thế giới đóng vai trò quan trọng với thị trường dầu ăn Trung Quốc.
“Cải thiện hiệu quả của việc trồng hạt cải dầu và ngành công nghiệp hạt cải dầu sẽ giúp đảm bảo an toàn tổng thể cho cơ cấu cung cấp dầu ăn của Trung Quốc và duy trì chiến lược tự cung cấp dầu hạt cải,” bà nói thêm.
James Keeley, một cộng tác viên danh dự tại Viện Nghiên cứu Phát triển của Đại học Sussex, cho biết Trung Quốc đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc phát triển các loại cây trồng chịu mặn và kiềm trong nhiều năm, và do đó, “những đột phá trong nghiên cứu thực địa” được kỳ vọng.
“Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường nước ngoài đối với các loại cây trồng chính được sử dụng để sản xuất dầu ăn (đặc biệt là đậu tương). Tuy nhiên, có nhiều bước giữa nghiên cứu thực địa và sự phổ biến rộng rãi ở một số tỉnh,” ông giải thích.
“Giá cũng cần phải cạnh tranh với dầu đậu nành nhập khẩu, và cũng cần xem xét sở thích của người tiêu dùng.”
Các nhà khoa học Trung Quốc năm ngoái cho biết họ đã tạo ra một giống đậu tương chịu mặn có thể làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào hàng nhập khẩu từ Brazil. Nhấn mạnh rằng vẫn chưa rõ liệu tiến bộ hiện tại đối với hạt cải dầu có thể được nhân rộng sang các loại cây trồng khác hay không, Keeley nói rằng có thể xác định các gen và cơ chế thông qua lai tạo dài hạn từ đó điều chỉnh khả năng chịu mặn và kiềm.