Tự chủ 100% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là điều không tưởng?
Thời gian qua, việc phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu khiến giá thức ăn thành phẩm trong nước bị ảnh hưởng lớn trước biến động giá của thế giới. Hiện tại, Việt Nam tự chủ được 40% nguyên liệu, còn lại 60% phụ thuộc vào nhập khẩu.
Cũng đã có ý tưởng về việc xây dựng vùng nguyên liệu như ngô sinh khối, đậu tương, sắn ở khu vực Tây Nguyên bởi khu vực này có đất bazan.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó TGĐ Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết bản thân các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rất khó khăn vì giá nguyên liệu, logistics phi mã.
"Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương.
De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cho biết De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới. Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.
Tuy nhiên, ông Chinh cho biết việc phát triển vùng nguyên liệu ở vùng Tây Nguyên đang gặp khó khăn lớn trong việc gom đất để hình thành vùng trồng lớn.
“Vấn đề lớn nhất là phải tích tụ đủ đất đai để hình thành cánh đồng mẫu lớn, từ đó cơ giới hoá, đồng bộ, đưa giống biến đổi gen thì mới cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Chứ nếu tiếp tục làm lẻ tẻ, theo kiểu 5 - 7 ha nho nhỏ như hiện tại không thể cạnh tranh được với nước ngoài. Chẳng hạn, Mỹ có tới 33 triệu ha đất để trồng ngô biến đổi gen với năng suất 11,5 triệu tấn/ha. Trong khi đó, năng suất ở Việt Nam chỉ 4,8 tấn/ha, rất khó để cạnh tranh”, ông Chinh nói.
Mặc dù vậy, ông Chinh khẳng định không có nước nào trên thế giới có thể tự chủ 100% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chỉ khác nhau về tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu là bao nhiêu.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi (tại buổi Họp báo Triển lãm VietStock EXPO & FORUM 2022).
“Tôi xin khẳng định Việt Nam không thể nào không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều đó là không tưởng. Tại sao một đất nước nông nghiệp, một năm xuất khẩu gần 50 tỷ USD nông sản mà không sản xuất được nguyên liệu thức ăn chăn nuôi? Một bài toán rất đơn giản, cái gì mà có lợi thế thì sản xuất, không nên đua để tự túc 100%. Chúng ta có kinh nghiệm sản xuất gạo nhưng với ngô và đậu tương thì không. Chúng ta không thể cạnh tranh 2 sản phẩm này”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói.