Ứng phó thách thức, nắm bắt cơ hội
PV: Ông có thể chia sẻ bức tranh với những gam màu sáng tối của ngành chăn nuôi Việt Nam năm 2022?
Cục trưởng Dương Tất Thắng: Năm 2022, ngành chăn nuôi vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt với giá trị sản xuất ước tính tăng 5,93%. Thể chế ngành chăn nuôi cơ bản hoàn thiện. Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất: Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn và hiện đại, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, sản lượng thịt hơi các loại, sản lượng trứng gia cầm, sản lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp đều tăng so năm 2021. Cụ thể, năm 2022, tổng đàn heo khoảng 26,22 triệu con (chưa tính heo con theo mẹ), tăng 11,4%; Đàn gia cầm khoảng 551,6 triệu con, tăng 4,8%; Đàn bò khoảng 6,65 triệu con, tăng 3,1%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 7,05 triệu tấn. Sản lượng sữa tươi 1,28 triệu tấn, tăng 10,2%. Sản lượng trứng trên 18,3 tỷ quả, tăng 4,4%. Sản lượng TĂCN công nghiệp quy đổi khoảng 20 triệu tấn, giảm 8,6%. Ngành chăn nuôi đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu thực phẩm của gần 100 triệu dân, đồng thời duy trì sinh kế của gần 10 triệu hộ gia đình, đóng góp trên 25 - 26% GDP nông nghiệp.
Mặc dù tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi tương đối nhanh nhưng chưa bền vững, chúng ta đang đứng trước một số khó khăn, thách thức.
Thứ nhất về thị trường: Giá nguyên liệu vật tư và các chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi giảm từ tháng 9/2022. Hiện nay, việc giá heo hơi chỉ dao động 51.000 - 54.000 đồng/kg, tức là giá bán xuống ngang hoặc dưới giá thành sản xuất; Thị trường trâu, bò khá ảm đạm, giá cổng trại của bò thịt, trâu thịt ở mức thấp, dao động 60.000 - 70.000 đồng/kg; Giá gà thịt cũng xuống tương đối thấp so với giá thành sản xuất trong gần nửa năm 2022. Những điều này làm ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người dân.
Thứ hai là câu chuyện hình thành vùng sản xuất nguyên liệu TĂCN trong nước để giảm giá thành chăn nuôi: Chúng ta đều biết giá nguyên liệu TĂCN tăng phi mã trong năm 2021 và 2022 (40 - 60%) đã ảnh hưởng rất lớn đến giá thành chăn nuôi. Bài toán chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN trong nước đang được tính đến. Tuy nhiên, việc đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đất đai cho sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng ngày càng bị thu hẹp chính là thách thức.
Thứ ba, công tác kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập, thậm chí tồn tại những nghịch lý. Giá bán tại cổng trại xuống thấp nhưng giá đến tay người tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao. Vẫn đang nhập một lượng lớn thịt trong khi nguồn cung trong nước dồi dào, thậm chí có thời điểm dư thừa.
Thứ tư là vấn đề khí hậu, thời tiết khắc nghiệt vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi và ảnh hưởng công tác tái đàn.
Thứ năm là chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh: Năm 2022, cả nước đã tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh được khống chế và không xảy ra các ổ dịch lớn. Mặc dù vậy, một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm vẫn xảy ra tại một số địa phương.
Thứ sáu là dự báo thị trường cung - cầu, đánh giá, phân tích thị trường lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều hạn chế.
Thứ bảy là cán cân xuất - nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi mất cân đối: Chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu TĂCN.
Thứ tám là áp lực cạnh tranh với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về giá, chất lượng và các sản phẩm chế biến.
PV: Ông có dự báo gì cho ngành chăn nuôi nước ta trong năm 2023?
Cục trưởng Dương Tất Thắng: Bước sang năm 2023, ngành chăn nuôi nước ta có cả cơ hội lẫn thách thức. Về thuận lợi, ngành chăn nuôi tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương, địa phương và thường xuyên có sự phối hợp và thống nhất cao trong chỉ đạo. Chủ động kiểm soát được dịch bệnh trên người và động vật, chủ động duy trì và phát triển chăn nuôi, thị trường đi vào ổn định, kiểm tra an toàn thực phẩm được tăng cường triển khai. Việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 sẽ góp phần tiếp tục phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, có định hướng thị trường, đáp ứng đủ các loại nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu những sản phẩm có tiềm năng.
Hợp tác quốc tế về kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm và vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; Đầu tư doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng tăng, nhất là lĩnh vực giết mổ, chế biến phục vụ xuất khẩu. Trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với các nước, khối, khu vực trên thế giới, nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA, hoạt động sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới, tạo cơ hội về việc làm, đầu tư, tăng nhu cầu về tiêu thụ nông sả, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với ngành chăn nuôi. Tiềm năng phát triển chăn nuôi của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư thuộc các khối kinh tế trên toàn thế giới…
Còn về khó khăn: Dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp trong năm 2023, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19 trong năm 2022 tác động kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi năm 2023. Thị trường chưa ổn định, các tác nhân của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và tăng chi phí cho người chăn nuôi. Vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn bất cập. Dịch bệnh còn xảy ra ở một số địa phương và đã được khống chế song vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; Chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Chăn nuôi trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng với một số sản phẩm nhập khẩu trong khi chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu; Công tác thị trường còn nhiều yếu kém; Chế biến và giết mổ vẫn là khâu yếu. Công tác quản lý ngành chưa theo kịp thực tiễn và tiến trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ; Công tác xây dựng thể chế đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn tồn tại, cần được tập trung trong chỉ đạo rà soát và triển khai thực hiện; Việc quy hoạch không được chú trọng; Môi trường chăn nuôi còn ô nhiễm gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý triệt để và còn nhiều bất cập. Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại tư do thế hệ mới (và 2 hiệp định đang trong giai đoạn đàm phán), trong đó khu vực các nước tham gia CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước…
PV: Mục tiêu và kế hoạch của ngành chăn nuôi trong năm 2023 là gì, thưa ông?
Cục trưởng Dương Tất Thắng: Dựa trên những kết quả đã được của ngành chăn nuôi trong năm 2022, sang năm 2023, toàn ngành đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng 4,5 - 5% so năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7,27 triệu tấn, tăng 4,1%. Trong đó, sản lượng thịt heo hơi tăng 4%; Sản lượng thịt gia cầm tăng 4,8%; Sản lượng trứng các loại tăng 3,8%; Sản lượng sữa tăng 8%; Sản lượng mật ong tăng 7,1%; Sản lượng tổ yến tăng 5,6%. Sản lượng TĂCN công nghiệp quy đổi đạt trên 21 triệu tấn, tăng khoảng 5% so năm 2022.
PV: Để đạt được những mục tiêu này, hẳn ngành đã chuẩn bị tâm thế. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những giải pháp trong năm 2023 và thời gian sắp tới?
Cục trưởng Dương Tất Thắng: Thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục thực hiện 5 giải pháp. Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực chăn nuôi: Trong năm 2023, Cục Chăn nuôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của ngành chăn nuôi nước ta. Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi sẽ tăng cường tuyên truyền các quy định hiện hành của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn cho các địa phương, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi để đảm bảo thực hiện tốt và có hiệu quả các quy định này.
Hai là, tổ chức sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm: Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hoạt động sản xuất nhất định phải gắn với thị trường. Có như vậy mới tránh được tình trạng giá sản phẩm diễn biến bất thường do mất cân bằng cung cầu. Cần xây dựng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời hình thành các hợp tác xã để kết nối người chăn nuôi. Cơ quan quản lý cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời cho doanh nghiệp và người chăn nuôi để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, việc áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học giúp kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu chi phí thú y cũng cần được quan tâm…
Ba là, nâng cao chất lượng giống vật nuôi và chủ động hơn về nguồn TĂCN: Hoạt động sản xuất giống vật nuôi cần được tổ chức lại theo hướng tập trung, chuyên nghiệp với quy mô lớn để nâng cao năng suất, chất lượng con giống. Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực cung cấp TĂCN trong nước, giảm thiểu sự phụ thuộc từ nguồn nhập khẩu.
Bốn là, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi: Cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực giống vật nuôi, sản xuất TĂCN, chuồng trại và xử lý môi trường trong chăn nuôi từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động chăn nuôi tới môi trường xung quanh.
Và năm là, đẩy mạnh việc áp dụng chuyển đổi số.
Trân trọng cảm ơn ông!