Vaccine ASF – Điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2023
Dấu ấn quan trọng
Ngày 24/7/2023, Bộ NN&PTNT gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF). Trong đó, Bộ yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco và Công ty CP AVAC Việt Nam triển khai sử dụng vaccine phòng bệnh ASF theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Đây là những vaccine phòng bệnh ASF thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành trong bối cảnh hơn 100 năm qua chưa có vaccine phòng bệnh ASF được cấp phép trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Năm 2019, dịch ASF xảy ra trên phạm vi cả nước đã khiến cho ngành chăn nuôi Việt Nam bị thiệt hại nặng nề với khoảng 6 triệu con heo buộc phải tiêu hủy. Với sự hợp tác của các nhà khoa học Mỹ, sự chỉ đạo của Cục Thú y trên cơ sở lãnh đạo của Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine ASF với 2 sản phẩm là NAVET-ASFVAC của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty CP AVAC Việt Nam. “Quá trình nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm vaccine rất chặt chẽ, nghiêm ngặt với phương pháp hiện đại, chỉ tiêu theo dõi tỉ mỉ, có sự phối hợp với hội đồng quốc gia về công nghệ sinh học”, Thứ trưởng khẳng định.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp tổ chức giám sát chất lượng, giám sát sử dụng 600.000 liều vaccine trong điều kiện chăn nuôi thực tiễn tại Việt Nam. Kết quả, đến tháng 7/2023, có hơn 650.000 liều được kiểm soát chất lượng đạt 100%; sử dụng an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Heo tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỷ lệ heo được tiêm vaccine đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.
Theo đề nghị của một số quốc gia, Việt Nam đã hỗ trợ, cử chuyên gia và phối hợp tổ chức tiêm phòng 2 loại vaccine này. Cụ thể, vaccine NAVET-ASFVAC đã được sử dụng tại Cộng hòa Dominica cho kết quả tốt. Vaccine AVAC ASF LIVE sử dụng để tiêm cho đàn heo tại Philippines, kết quả vaccine đạt an toàn, 100% heo được tiêm đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể. Đánh giá độc lập của đoàn chuyên gia Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy vaccine phòng bệnh ASF của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Nghiên cứu phát triển vaccine ASF thế hệ mới
Tính đến nay, số lượng vaccine ASF được sản xuất là 4,5 triệu liều, trong đó Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco 1,2 triệu liều và Công ty CP AVAC Việt Nam 3,3 triệu liều. Số lượng vaccine cung ứng, sử dụng từ khi cấp giấy chứng nhận lưu hành và sau khi Bộ NN&PTNT có Công văn số 4870/BNN-TY là hơn 1,5 triệu liều. Trong đó, 207.339 liều vaccine NAVET-ASFVAC sử dụng tại 35 tỉnh, thành phố; Trên 1,3 triệu liều vaccine AVAC ASF LIVE được sử dụng tại 45 tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, ngay sau khi được phép lưu hành rộng rãi tại Việt Nam, Công ty AVAC đã xuất khẩu 300.000 liều vaccine ASF sang Philippines. Ngoài ra, các đối tác từ Indonesia, Malaysia, Myanmar, Ấn Độ đã ký kết hợp đồng mua vaccine ASF do Công ty AVAC Việt Nam sản xuất…
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, khẳng định: Vaccine ASF là một trong các biện pháp phòng bệnh ASF rất quan trọng, cần được sử dụng đúng và kết hợp song hành với biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam đang tập trung nghiên cứu phát triển vaccine ASF thế hệ mới để có thể sớm nhất sử dụng trên đàn heo ở các lứa tuổi khác như heo nái, heo đực giống.
“Thời gian tới, Cục Thú y sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bệnh cũng như tính an toàn, hiệu quả khi sử dụng vaccine ASF. Việt Nam cũng cam kết công khai, minh bạch, chia sẻ tất cả các thông tin liên quan tới vaccine với các tổ chức quốc tế, bởi đây là thành tựu rất quan trọng của Việt Nam phục vụ cho ngành chăn nuôi heo trên thế giới’, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho biết thêm.