Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sau mưa lũ
Tu sửa chuồng trại
Gia cố lại chuồng trại, khơi thông cống rãnh, nạo vét, phát quang bụi rậm, hố chứa phân, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi để khu vực chuồng nuôi khô ráo, chắc chắn trước khi đưa gia súc, gia cầm vào nuôi.
Kiểm tra tất cả các thiết bị như máng ăn, hệ thống cấp nước và thông gió xem có bị hư hỏng do nước không. Đặc biệt, hệ thống điện cần được đảm bảo an toàn trước khi sử dụng.
Thực hiện các giải pháp để làm khô chuồng trại. Việc làm khô đúng cách rất quan trọng để ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc và vi khuẩn, vốn phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt. Người nuôi có thể áp dụng các phương pháp sau để chuồng trại nhanh được khô ráo:
Thông gió tự nhiên: Mở cửa và cửa sổ để tăng cường luồng không khí, giúp giảm độ ẩm bên trong chuồng trại.
Thông gió cơ học: Sử dụng quạt công nghiệp và máy thổi để tăng cường lưu thông không khí. Quạt nên được đặt chiến lược để tối ưu hóa luồng không khí trong toàn bộ chuồng.
Máy hút ẩm: Máy hút ẩm có thể được sử dụng để loại bỏ độ ẩm trong không khí, đặc biệt trong các không gian kín nơi thông gió tự nhiên không đủ.
Kiểm soát nhiệt độ: Nếu có thể, tăng nhiệt độ bên trong chuồng để đẩy nhanh quá trình sấy khô.
Vệ sinh, thu gom chất thải
Loại bỏ tất cả tàn dư như thiết bị hỏng, cành cây, và bùn cát bằng xẻng, xe rùa hoặc máy móc. Chú ý đặc biệt đến các vật sắc nhọn và chất độc hại có thể gây thương tích. Người nuôi cần trang bị bảo hộ lao động, bao gồm: Găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ và ủng để giảm thiểu tiếp xúc với vi khuẩn có hại, nấm mốc và các vật sắc nhọn có thể có mặt.
Nước lũ thường mang theo các mầm bệnh như E.coli, Salmonella, và các loại nấm mốc có thể làm ô nhiễm thức ăn và chất độn chuồng, khiến chúng không an toàn cho vật nuôi. Do đó, cần xử lý tất cả thức ăn và chất độn chuồng bị ô nhiễm theo quy định địa phương để ngăn ngừa sự lan truyền của mầm bệnh. Tránh ủ các vật liệu này vì chúng có thể chứa vi khuẩn có hại.
Đất và nước trong chuồng có thể chứa vi khuẩn có hại, hóa chất và mảnh vỡ. Người nuôi cần lấy mẫu để đến cơ sở chức năng kiểm tra mức độ nhiễm các vi sinh vật, chỉ tiêu pH và các nguy cơ tiềm ẩn khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi.
Sử dụng máy bơm để loại bỏ nước đọng, đảm bảo hướng dòng nước ra xa các khu vực sạch để tránh tái nhiễm.
Đối với rác thải là phân, chất độn chuồng, rác hữu cơ cần thực hiện xử lý bằng biện pháp sinh học hoặc đào sâu chôn chặt, đốt để hạn chế các vấn đề ô nhiễm môi trường và các loại mầm bệnh. Đối với xác gia súc, gia cầm chết, khẩn trương thu gom và xử lý để hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường.
Khử trùng
Tiến hành phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng; rắc vôi bột hoặc phun các loại thuốc sát trùng toàn bộ lối đi, hành lang, cổng, đường đi và phương tiện.
Cồn sát khuẩn vệ sinh chuồng trại là cồn công nghiệp 70 độ.
Nên chọn hóa chất sát trùng ít độc hại đối với người, vật nuôi, môi trường, có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh; Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp; Trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa); Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích.
Quy trình vệ sinh, sát trùng:
– Bước 1: Làm sạch chất hữu cơ trước khi rửa. Hầu hết các thuốc sát trùng không có tác dụng diệt khuẩn, nếu dụng cụ được sát trùng không sạch sẽ. Trước khi rửa bằng nước cần dùng chổi, xẻng hoặc các dụng cụ thích hợp làm sạch các chất hữu cơ bám trên nền chuồng, tường chuồng, trên bề mặt các dụng cụ chăn nuôi…
– Bước 2: Rửa sạch bằng nước. Sau khi vệ sinh, tiến hành rửa sạch bằng nước. Đối với dụng cụ, sàn, vách ngăn,… bị chất bẩn bám chặt bề mặt lâu ngày, cần ngâm nước 1 – 3 ngày trước khi rửa. Đối với một số chỗ khó rửa (các góc, khe,…), phải dùng vòi xịt áp suất cao.
– Bước 3: Tẩy bằng xà phòng, nước vôi hoặc thuốc tẩy. Dùng nước xà phòng, nước vôi 30% hoặc thuốc tẩy rửa để phun, dội rửa lên nền hoặc ngâm các dụng cụ chăn nuôi.
– Bước 4: Sát trùng bằng thuốc sát trùng. Dùng thuốc sát trùng với liều lượng phù hợp, dùng nước có nhiệt độ phù hợp để pha loãng thuốc. Lưu ý thời hạn dùng thuốc và thời hạn dùng dung dịch thuốc sát trùng đã pha loãng. Cần đảm bảo đủ thời gian cho thuốc tiếp xúc với dụng cụ được sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi phun thuốc sát trùng, phải mặc quần áo bảo hộ lao động.
– Bước 5: Sau khi khử trùng bằng thuốc, cần phải để khô dụng cụ và trang thiết bị. Với chuồng nuôi, thời gian để khô trước khi thả gia súc, gia cầm vào là 1 – 2 ngày.
Lưu ý
Khi chuồng trại đã được vệ sinh và xác nhận an toàn, cần tuân thủ các quy trình tái đàn gia súc và gia cầm để giảm thiểu rủi ro bệnh tật.
Đảm bảo thức ăn và nước uống được kiểm tra và đạt tiêu chuẩn an toàn trước khi cung cấp cho vật nuôi. Thay thế các đường ống nước hoặc bể chứa đã bị ô nhiễm.
Tái đàn dần dần và giám sát chặt chẽ các dấu hiệu của dịch bệnh (nếu có).
Vôi bột có tính sát trùng mạnh, chỉ nên sử dụng để sát trùng và khử mùi hôi bằng cách tạo lớp nền, đệm lót chuồng.
Người nuôi cần lựa chọn hóa chất sát trùng trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; Vôi bột, vôi tôi, nước vôi, xà phòng, nước tẩy rửa; Loại hóa chất sát trùng khác theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.