Ven đô khoe sắc chờ Tết đến

Ven đô khoe sắc chờ Tết đến

Theo các nhà vườn ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội), năm nay thời tiết mưa nhiều nhưng không ảnh hưởng nhiều đến năng suất, hình dáng quả Phật thủ. Nhiều cây vẫn cho quả to, tay ngón đẹp, vàng bóng, bung xòe rộng và xếp thành nhiều tầng, nhiều lớp, trông rất bắt mắt.

Thấy khách lạ ghé vào thăm vườn, ông Nguyễn Tuấn Cải ở thôn Chùa Ngụ bỏ dở nhát cuốc, vào lán hút điếu thuốc lào rồi cười khà: "Nhà tôi chuyên trồng Phật thủ để bán quả. Thời điểm này, quả trên cây đang ngả màu vàng và có mùi thơm nhẹ. Với 120 cây ước tính vụ này sẽ cho thu hoạch khoảng 4.000 quả. Mỗi quả bán tại vườn từ 100 - 500 nghìn đồng, phụ thuộc vào hình dáng, màu sắc, độ căng bóng của lớp vỏ ngoài của từng quả và độ dài của các tay múi...".

“Năm nay, thời tiết xấu hơn năm ngoái nhưng năng suất vẫn ổn định, nhiều cây cho quả to, đẹp. Ứớc tính sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình lãi khoảng 200 triệu đồng”, ông Cải bộc bạch.

Theo ông Cải, Phật thủ ra quả quanh năm nên vào những ngày rằm hay mồng một, gia đình vẫn tiêu thụ quả cho các tiểu thương nhỏ lẻ. Khách đến mua quả, mỗi người thích mỗi kiểu, mỗi dáng khác nhau. Người thích quả có tay và mắt xòe ra càng rộng càng tốt, người thích tay khum vào. Thị trường tiêu thụ của gia đình chủ yếu là là các tỉnh lân cận và miền Nam.

“Miền Bắc ưa chuộng những quả Phật thủ có nhiều tay và xòe càng rộng càng tốt nhưng miền Nam lại thích những quả có hình dáng khum vào, miễn sao quả phải có tay, mắt và vỏ bóng”, ông Cải cho biết thêm.

Là một trong những chủ vườn chuyên trồng Phật thủ cảnh ở xã Đắc Sở, anh Trần Hải Tuấn cho biết, gia đình anh trồng gần 300 cây Phật thủ bonsai để bán dịp tết. Thời gian này, anh đang tập trung ghép quả vào cây và bảo quản đúng kỹ thuật.

Theo anh Tuấn, Phật thủ bonsai được bán với giá tùy vào số lượng quả đã ghép trên cây, mỗi một quả bán với giá 100 nghìn đồng. Cây có 3 quả sẽ được bán 300 nghìn đồng và giá được tăng dần theo số quả. Nếu dáng cây đẹp, quả bắt mắt thì sẽ bán với giá cao hơn. Cây có độ cao gần 1m, lượng quả thường là số lẻ, thường được người dân tìm mua.

Phật thủ

Chạy dọc theo con đường nhỏ vào các vườn tại thôn Văn Trì, phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn bưởi sai trĩu quả, vàng rực một không gian. Từ lâu, bưởi Diễn đã trở thành đặc sản nức tiếng xa gần.

Thời điểm này, không khí tại các vườn bưởi đã nhộn nhịp, hối hả hơn hẳn, các thương lái, khách đến đặt mua nườm nượp khắp đường làng. Rất đông khách tìm đến vườn đặt với số lượng lớn. Người mua ít thì vài chục quả, người mua nhiều thì lên đến hàng nghìn quả.

Theo các chủ vườn, vụnày bưởi đạt năng suất cao hơn năm ngoái khoảng 20%. Cây đều quả hơn,da quảvàng óng, cầm chắc tay, tép ráo múi, mọng nước và có vị ngọt đậm đà đặc trưng.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trồng bưởi Diễn, ông Vương Đình Hiếu, thôn Văn Trì chia sẻ: Vụ này, hầu như nhà nào cũng được mùa bưởi. Quả sai và to hơn năm ngoái. So với năm ngoái, giá bán thấp hơn một chút nhưng các hộ vẫn có lãi.

Gia đình ông trồng 5 sào bưởi Diễn, ước tính thu hoạch khoảng 3.000quả. Với giá bán 60 nghìn đồng/quả loại 1; 45 - 50 nghìn đồng/quả loại 2 và thấp nhất là 35 nghìn đồng/quả loại 3, sau khi trừ chi phí, gia đình ông “đút túi” hơn 100 triệu đồng.

Bưởi diễn

Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi của gia đình, con gái ông Hiếu bộc bạch, đến thời điểm nàyđãthu hoạch được 1/2 diện tích trồng, số bưởi còn lại đang chờ thời tiết nắng ráo sẽ hái dần. Trung bình mỗi cây cho gần 100 quả.

Chỉ tay vào cây bưởi nặng trĩu quả nhất vườn, con gái ông Hiếu bật mí: “Đấy là cây bưởi đã trên 10 tuổi, đang cho nhiều quả nhất, lên đến 270 quả. Riêng cây này, nếu bán hết quả cũng cho thu về tiền triệu”.

Ông Đặng Hùng, một chủ vườn bưởi Diễn khác ở Văn Trì cũng cho biết, năm nay,vườn bưởi nhà ông được mùa và quả đều. Các thương lái đến mua đều khen nức nở. Hiện tại bưởi đã bán gần hết. Gia đình để lại những quả chưa chín hẳn, chờ giáp tết mới thu hoạch tiếp.

Theo kinh nghiệm của các chủ vườn, để có được những quả bưởi ngọt, vàng óng thì sau khi bưởi ra hoa, người dân bắt đầu vào vụ chăm sóc, phun thuốc diệt sâu bệnh, chăm bón đúng kỹ thuật thì tỷ lệ đậu quả càng nhiều.