Vĩnh Long: Nâng cao chất lượng đàn bò cái nền sinh sản
Nhằm nâng cao chất lượng đàn bò cái nền sinh sản cũng như gia tăng số lượng đàn bò, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã triển khai dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản chất lượng cao theo hướng an toàn sinh học quy mô nông hộ giai đoạn 2021-2025. Dự án bao gồm chuyển giao bò giống đạt chất lượng cao và tập huấn chăn nuôi bò theo hướng an toàn sinh học theo phương thức xã hội hóa “Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư”.
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 40% chi phí mua bò cái lai nhóm Zebu (trung bình trên 10 tháng tuổi, trọng lượng trung bình trên 180kg) cho những hộ tham gia mô hình và hỗ trợ 100% chi phí tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Người dân tham gia mô hình đầu tư phần vốn đối ứng còn lại để mua bò cái lai nhóm Zebu (60%), chi phí chích ngừa (100%) và đầu tư chuồng nuôi, thức ăn, công chăm sóc, xử lý chất thải và cơ sở vật chất khác phục vụ cho chăn nuôi.
Nông dân đi lựa bò tại HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh (Bến Tre).
Năm 2021, dự án đã mở 8 lớp tập huấn cho 170 người tham dự. Đây là những hộ chăn nuôi bò tham gia mô hình ở các xã đầu tư và các hộ chăn nuôi bò tại địa phương, các xã lân cận có điều kiện và có nhu cầu tập huấn kiến thức để chăn nuôi bò sinh sản. Qua lớp tập huấn, nông hộ nhận biết được các giống bò nội và ngoại nhập hiện có ở Việt Nam, phương pháp nhân giống bò cao sản năng suất cao, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng bò sinh sản theo hướng an toàn sinh học.
Cuối tháng 12/2021, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Vĩnh Long đã tổ chức 7 đợt cho nông dân đi chọn mua bò tại Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Chánh (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Có 50 nông hộ thuộc 7 xã của 4 huyện (Mang Thít, Long Hồ, Trà Ôn và Vũng Liêm) nhận bò do dự án cung cấp với số lượng 63 con. Đến nay, nhờ triển khai tốt công tác tập huấn, đàn bò dự án phát triển khoẻ mạnh, nông dân tham gia mô hình phấn khởi.
Bàn giao bò cho nông dân.
Nông dân Nguyễn Văn Bé ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm cho biết: Qua lớp tập huấn chúng tôi biết cách chọn bò đẹp để nuôi sinh sản, chăm sóc bê con, pha trộn thức ăn, chọn giống cỏ phù hợp. Dự án cũng giúp nhận biết và phòng trị một số bệnh thường gặp trên bò như: bệnh Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục… Bên cạnh đó là các biện pháp xử lý chất thải giúp giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, ghi chép nhật ký nuôi.
Theo dự kiến, sau 3 năm đàn bò đầu tư sẽ đẻ ra khoảng 142 bê con có giá trị chất lượng cao. Mỗi con bò cái sinh sản trung bình mỗi năm cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng. Từ 63 bò lai Sind sẽ góp phần cải tạo chất lượng giống đàn bò địa phương, tỉnh Vĩnh Long, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững.
Đồng thời công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người chăn nuôi chuyển từ hình thức chăn nuôi bò chăn thả tự nhiên với các giống bò địa phương năng suất thấp sang chăn nuôi bò thịt có năng suất chất lượng cao, cũng như biết áp dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi để tăng năng suất. Phát triển chăn nuôi bò sinh sản theo hướng an toàn sinh học còn giúp sử dụng có hiệu quả nguồn phụ phẩm trồng trọt, hạn chế đốt rơm gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng phát thải khí nhà kính. Phân và chất thải bò được xử lý tốt sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, góp phần tạo môi trường xanh sạch đẹp.
Theo bà Huỳnh Kim Định, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long: Việc triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản chất lượng cao theo hướng an toàn sinh học quy mô nông hộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025” thực hiện năm 2021 cho các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn bước đầu đạt được những kết quả khả quan, được chính quyền địa phương và nông dân ủng hộ. Với những kết quả đạt được, sẽ giúp tạo đàn bò cái nền cho các địa phương, giải quyết lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.