Vụ đông nhiều cơ hội

Vụ đông nhiều cơ hội

Vụ đông 2020 được đánh giá có nhiều thời cơ thuận lợi, có thể tăng diện tích từ 10-20% so với mọi năm, trong đó ngô sinh khối được kỳ vọng sẽ tạo đột phá.

Thời cơ thuận lợi

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2020 là năm có nhiều cơ hội cho việc đẩy mạnh sản xuất vụ đông tại các tỉnh phía Bắc.

Việc Trung Quốc đang bị lũ lụt nặng cùng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sẽ khiến việc sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất các loại cây rau củ ôn đới trong vụ đông chưa thể khắc phục kịp, khả năng sản xuất giảm nên nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng cao. Vì vậy, đây là cơ hội để tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản vụ đông của nước ta, đặc biệt là nhóm rau, củ.

Đối với các tỉnh phía Bắc nước ta, việc lúa vụ mùa 2020 thu hoạch sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 5 - 7 ngày là điều kiện thuận lợi để giải phóng đất làm cây vụ đông ưa ấm.

Bên cạnh đó, nhu cầu ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn về bò thịt, bò sữa..., các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thô xanh tổng hợp đang được đẩy mạnh và kỳ vọng sẽ là năm tạo bứt phá cho sản xuất ngô sinh khối vụ đông.

Mặc dù vậy, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biễn bất thường và khó lường cũng sẽ gây những ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ưu tiên rau củ giá trị cao và ngô sinh khối

Theo Bộ NN-PTNT, những năm gần đây, diện tích vụ đông phía Bắc dao động xung quanh 390 nghìn ha. Căn cứ vào các dự báo về diễn biến thời tiết, cũng như các yếu tố thuận lợi, khó khăn, Bộ NN-PTNT định hướng vụ đông năm 2020, các tỉnh phía Bắc đặt mục tiêu tăng diện tích lên 430 nghìn ha (phương án 1) hoặc 450 nghìn ha (phương án 2), tăng khoảng 10 đến 20% diện tích so với vụ đông 2019.

Ngô sinh khối được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong vụ đông 2020.

Tổng sản lượng vụ đông 2020 phấn đấu đạt 4,6 triệu đến 4,9 triệu tấn (tăng 10% đến 15% sản lượng so với vụ đông 2019). Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34 đến 36 nghìn tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 75 triệu đồng/ha.

Theo Cục Trồng trọt, hiện vùng ĐBSH các địa phương đã đăng ký khoảng 171 nghìn ha cây vụ đông; vùng Bắc Trung bộ khoảng 101 nghìn ha và các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc đã đăng ký khoảng 141 nghìn ha.

Về cơ cấu cây trồng, nhóm cây ưa ấm định hướng cần tăng diện tích, với tỷ lệ khoảng 55%; nhóm cây ưa lạnh khoảng 45%.

Các nhóm cây trồng chủ lực gồm ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây và rau đậu các loại. Trong đó, cây ngô, ngoài mục tiêu lấy hạt, ngô thực phẩm, tập trung phát triển mạnh ngô sinh khối cho chăn nuôi đại gia súc; nhóm rau có giá trị kinh tế cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống.

Đối với nhóm rau các loại, định hướng cần trồng rải vụ, mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu... 

Với dự báo Trung Quốc có thể sẽ có nhu cầu nhập rau lớn do tình hình bão lũ ảnh hưởng đến sản xuất, mặt khác các mặt hàng rau, củ Trung Quốc cạnh tranh với Việt Nam tại các thị trường khác sẽ giảm do thiếu nguồn cung, vì vậy cần ưu tiên phát triển các loại rau, củ như khoai tây, cà rốt, nhóm rau cải... Theo đó, cũng cần lưu ý đẩy mạnh trồng rải vụ, tránh dư thừa cục bộ.

Diện tích các loại cây chính vụ đông 2020 theo đăng ký của các tỉnh. (Đơn vị: Nghìn ha. Nguồn: Cục Trồng trọt).

Diện tích vụ đông 2020 các vùng theo đăng ký các tỉnh (Đơn vị: Nghìn ha; Nguồn: Cục Trồng trọt).

Để đạt được mục tiêu tăng diện tích, tăng giá trị sản xuất, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương căn cứ vào diện tích thu hoạch, điều kiện nguồn nước, đất đai chủ và thị trường, chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm đảm bảo đạt diện tích sản xuất vụ đông tố đa, nhưng phải đảm bảo chắc ăn và hiệu quả kinh tế.

Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi. Số liệu của Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc hiện khoảng 27,6 triệu tấn/năm, trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70% còn lại cần mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn).

Theo Cục Chăn nuôi, thời gian tới, cần sớm hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân. sản xuất ngô sinh khối. Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển cây thức ăn thô để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tích tụ đủ lớn diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, ngô sinh khối, áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào trồng, chăm sóc, thu gom, bảo quản và chế biến thức ăn cho gia súc ăn cỏ...

Kỹ thuật, thời vụ

Cục Trồng trọt khuyến cáo, vụ đông 2020, các địa phương cần chú ý một số giải pháp kỹ thuật.

Về làm đất: Thực hiện tốt kỹ thuật làm đất tối thiểu, hạn chế làm đất đối với diện tích trên đất 2 lúa, tranh thủ thời vụ cần rẽ lúa đặt bầu, hoàn thiện luống sau, chú ý tạo rãnh thoát nước xung quanh và bề mặt ruộng đề phòng mưa úng.

Về bố trí thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống: Với nhóm cây ưa ấm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10; với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10, riêng với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11. Trồng rải vụ đối với nhóm rau để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa giá thấp hoặc thiếu rau đẩy giá lên cao.

Cục Trồng trọt sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương thu hoạch lúa vụ hè thu, mùa sớm theo đúng kế hoạch để có đất cho cây vụ đông; hướng dẫn và kiểm tra thời vụ gieo trồng, đôn đốc việc tổ chức kiểm tra chất lượng giống vật tư sản xuất, ngăn chặn kịp thời hiện tượng kinh doanh giống các loại vật tư nông nghiệp khác kém chất lượng.

Bên cạnh đó, đề nghị Tổng cục Thủy lợi chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo công tác tưới tiêu cây vụ đông theo vùng, khu vực; đặc biệt việc tiêu úng kịp thời cho cây vụ đông khi mưa bão xảy ra.

Các địa phương thời gian tới cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tổ chức khắc phục kịp thời thiệt hại nếu có thiên tai xảy ra, chủ động tiêu thoát nước sớm, thu hoạch nhanh, gọn diện tích trà lúa vụ hè thu, vụ mùa sớm để trồng cây vụ đông ngay sau khi thu hoạch lúa; bố trí quỹ đất hợp lý cho cây vụ đông sớm. Với nhóm cây ưa ấm cần lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, gieo trồng càng sớm càng tốt; với nhóm cây rau đậu cần bố trí trồng thành nhiều trà để khai thác tối đa điều kiện đất đai, công lao động, tránh rớt giá và tăng hiệu quả kinh tế...