Vựa lúa Phú Thiện thiệt hại hơn 20 tỷ đồng do mưa lũ

Vựa lúa Phú Thiện thiệt hại hơn 20 tỷ đồng do mưa lũ

Mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày đã khiến hơn 1.800 ha lúa ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai bị ngã đổ, ước thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

Ngày 11/10, ông Mai Ngọc Quý, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện cho biết, những ngày qua do ảnh hưởng vùng áp thấp nhiệt đới, mưa lũ kéo dái đã khiến hơn 30% (1.800ha) diện tích lúa của cả huyện bị ngã đổ. Trong số đó, 30-40% bị hư hỏng nặng, ước thiệt hại khoảng trên 20 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện đã khuyến cáo người dân chủ động phòng chống mưa lũ nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Cụ thể, đối với diện tích lúa ngã đổ mà đã già thì người dân cần phải sớm thu hoạch để giảm thiệt hại. Còn đối với diện tích lúa ngã đổ còn non thì phải chủ động khơi thông, tháo khô nước trong ruộng, đồng thời dùng biện pháp chống dựng cho cây lúa.

Phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện cũng kiến nghị các cơ quan ban ngành xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương theo Nghị định 02 của Chính phủ để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Cũng liên quan đến tình hình mưa lũ, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các cơ quan ban ngành thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để chủ động ứng phó với diễn biến của vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn các công trình và vùng hạ du hồ chứa.

Theo đó, kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng... có nguy cơ lũ quét, sạt lở để sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình bị hư hỏng và các hồ chứa thủy điện, thủy lợi xung yếu.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu để khắc phục sự cố, đảm bảo thông suốt các trục giao thông chính và đảm bảo an toàn cho học sinh trong tình huống mưa lũ lớn.

Đặc biệt, các địa phương cần triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi. Trong đó, chủ động thu hoạch lúa, hoa màu đến kỳ thu hoạch và sẵn sàng di dời gia súc, gia cầm đến nơi an toàn. Chủ động dự trữ lương thực, hàng hóa thiết yếu ở các khu vực có nguy cơ bị chia cắt. Sẵn sàng lực lượng phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.