Xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp

Xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp

Nền kinh tế thị trường buộc những người nông dân và doanh nghiệp phải ngồi chung một con thuyền, thay đổi tư duy 'sản xuất nông nghiệp' sang 'kinh tế nông nghiệp'.

Sáng 29/10, tại buổi làm việc với Vụ Kế hoạch về triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Nền kinh tế thị trường buộc những người nông dân và doanh nghiệp phải ngồi chung một con thuyền, phải thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

6 vòng tròn tạo nên nền kinh tế nông nghiệp

Người nông dân luôn đặt câu hỏi: “Tại sao luôn có tình trạng được mùa mất giá?”. Và khi giá nông sản xuống thấp có người đổ thừa trách nhiệm cho nhà nước. Nhưng, trong nền kinh tế thị trường, yếu tố gây biến động giá cả hàng hóa lại phụ thuộc vào quy luật cung cầu. Cung vượt cầu thì ắt giá sẽ giảm. Nó là yếu tố khách quan mang lại, không phụ thuộc vào ý muốn của một Chính phủ nào, cơ quan nhà nước nào.

Lâu nay, tư duy sản xuất nông nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức của nông dân, tức là chạy theo năng suất và quy mô, lấy lượng làm thước đo giá trị. Để khuyến khích sản xuất, các chính sách của nhà nước thường đặt nặng hỗ trợ vật tư đầu vào cho nông dân; tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân...

Nhưng, tư duy kinh tế nông nghiệp thì khác. Nhà nước hỗ trợ tìm kiếm đầu ra, kích hoạt dòng chảy của sản phẩm nông nghiệp và lấy cái đó để điều chỉnh lại đầu vào và định hướng cho người nông dân. Ở đó, người nông dân phải tự quyết định “số phận” của mình.

6 thành tố quan trọng nhất để hình thành một nền kinh tế nông nghiệp đó là: Hợp tác - liên kết - thị trường - giảm chi phí - chế biến tinh và tăng chất lượng.

 

Trước tiên, khi nói về sự cần thiết của sự “hợp tác” (hay còn gọi là tổ chức của nông dân), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân từng nói: “Nếu hợp tác xã không phát triển bền vững cả số lượng và chất lượng, thì 10 triệu hộ nông dân vẫn là 10 triệu hộ yếu thế trong xã hội”.

Bởi, từng hộ nhỏ lẻ không thể vừa tổ chức sản xuất, vừa chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt trong quy luật của nền kinh tế thị trường, thị trường chính là mệnh lệnh sản xuất. Do đó, ngoài việc nâng cao năng lực của các hợp tác xã để kết nối những người nông dân và doanh nghiệp “ngồi chung một con thuyền”. Không ai hiểu và nhạy bén với các tín hiệu của thị trường bằng doanh nghiệp.

Bất cứ hợp tác xã nào ra đời cũng mang trong mình hai giá trị cốt lõi, một là tạo ra lợi nhuận, hai là tạo ra lợi ích. Nếu doanh nghiệp chọn lợi nhuận là mục tiêu tối thượng, thì hợp tác xã ngoài kinh doanh dịch vụ, còn phải mang trọng trách xã hội là đem lại lợi ích cho các thành viên.

Khi chúng ta mua vật tư nông nghiệp, bao giờ người mua sỉ (số lượng lớn) cũng được ưu đãi về giá hơn so với người mua lẻ. Vậy tại sao chúng ta không cùng hùn vốn lại, cử ban quản trị hợp tác xã làm đại diện đi mua hàng để hưởng giá rẻ?

Gỡ hai nút thắt lớn của ngành nông nghiệp

Cách đây 5 năm, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã chỉ rõ, nút thắt của nông nghiệp Việt Nam là chi phí cao mà chất lượng kém. Tất nhiên, với thành tựu sau 5 năm nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta đã dần tháo gỡ ba “vòng kim cô” gồm: giảm chi phí, chế biến tinh và tăng chất lượng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thay vì trông chờ vào một thứ mông lung là giá nông sản tăng cao, chúng ta nên thực hành tiết kiệm vật tư nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất (yếu tố rất ít biến động). Tôi thường nói rằng “chim đậu bà con không bắt mà bắt chim bay” là như vậy.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nghe Vụ Kế hoạch báo cáo tổng quan về tình hình tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2020 vào sáng 29/10.

Việc bà con sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y... thiếu khoa học đã gây ra thất thoát, lãng phí, đẩy chi phí sản xuất tăng cao và giảm chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc bán nguyên liệu thô không qua chế biến dẫn đến khó nâng cao giá trị gia tăng trong đơn vị sản phẩm.

Để tạo điều kiện hình hành các nông dân chuyên nghiệp, cần phải bắt đầu từ công tác đào tạo, tập huấn nông dân. Họ rất thiếu kiến thức về tổ chức sản xuất, quy luật cung cầu, công nghệ thông tin, sản xuất thân thiện môi trường và tạo ra nông sản chất lượng. Chỉ khi nào làm chủ được những kiến thức cơ bản đó, người nông dân mới tự quyết định được số phận của mình.

Tôi từng thăm một trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện tại Hàn Quốc và rất ấn tượng với khẩu hiệu được treo trước cửa: “Nông nghiệp là sinh mạng – nông thôn là tương lai”. Tôi ấn tượng là bởi một đất nước đã đạt trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cao như vậy mà họ vẫn coi nông nghiệp là sinh mạng.

Mặc dù chỉ bó hẹp không gian hoạt động ở phạm vi một huyện nhưng trung tâm này đảm nhiệm rất nhiều chức năng. Trung tâm nghiên cứu các loại giống mới, phòng trừ dịch hại, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tạo ra các loại nông sản chất lượng. Đồng thời tổ chức sự kiện để tập hợp, hỗ trợ nâng cao năng lực, kiến thức, đời sống tinh thần cho nông dân, tạo điều kiện cho nông dân trở thành “nông dân chuyên nghiệp”.

Không dừng lại ở đó, trung tâm đảm nhận luôn cả việc chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tìm hiểu thị trường. Từ phản hồi của nông dân, các doanh nghiệp, các cán bộ của trung tâm tiếp tục nghiên cứu cải tiến giống, quy trình canh tác phù hợp rồi chuyển giao lại cho nông dân; tổ chức quảng bá sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ người già, phụ nữ, những gia đình văn hóa...

Như vậy, nông dân sẽ thực sự thấy được giá trị khi chọn nông thôn làm nơi sinh kế, nông thôn là tương lai.