Xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh

Xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh
Đến nay, cả nước đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố với 4.125 lượt chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với 20 bệnh.

Gồm có 1.687 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; 2.386 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; 52 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt kế hoạch quốc gia triển khai “Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030”; đàm phán thành công để được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, các sản phẩm thịt gà chế biến chín đã được xuất khẩu sang 7 quốc gia, vùng lãnh thổ, bao gồm: Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Nga và 5 nước Liên minh Á - Âu. Trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4.500 tấn sản phẩm thịt gà.

Từ nay đến cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường; việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh… Để bảo vệ đàn vật nuôi, theo ông Hoàng Văn Thành, chủ trang trại ở xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn), cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu dễ tìm, giá thành thấp như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu, rơm, cỏ xanh, bã sắn, cám gạo, vỏ tôm... để thay thế một phần cho thức ăn công nghiệp. Việc này giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi xuống 10-15%, tăng giá bán ra thị trường.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, các địa phương cần xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh từng vùng, khẩn trương rà soát đàn vật nuôi, các cơ sở sản xuất giống, chăn nuôi trên địa bàn; đánh giá tình hình chăn nuôi để có kế hoạch tăng đàn, tái đàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi; sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi; triển khai các kênh theo dõi diễn biến thị trường, tìm hiểu nguồn cung trong nước và thế giới, giúp người dân có kế hoạch sản xuất theo nhu cầu tiêu dùng...