Xây dựng Việt Nam thành hình mẫu trong phòng chống sâu keo mùa thu
Cảnh giác với sâu keo mùa thu
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hội thảo lần này nằm trong kế hoạch hành động của ASEAN về ứng phó với sâu keo mùa thu, được Bộ NN-PTNT Việt Nam rất ủng hộ. Hội thảo nhằm mục tiêu đánh giá hoạt động kiểm soát sâu keo mùa thu tại Việt Nam và các nước trên thế giới; rà soát kết quả nghiên cứu và biện pháp phòng chống tại Việt Nam; trao đổi, đề xuất một số giải pháp công nghệ thích hợp trong kiểm soát sâu keo mùa thu trong thời gian tới, làm cơ sở để xây dựng mô hình thử nghiệm, trình diễn trên đồng ruộng.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại hội nghị.
Đây cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất hiểu rõ hơn về sâu keo mùa thu; tìm hiểu, nghiên cứu, thảo luận những phương pháp quản lý hiệu quả nhất để theo dõi, kiểm soát loài dịch hại nghiêm trọng này tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện và gây hại của sâu keo mùa thu từ tháng 4/2019 ở các tỉnh miền Bắc, sau đó phát hiện ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ. Hiện nay, trên cả nước đã có 58/63 tỉnh bị sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô.
Trước thực tế đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục BVTV đã nhanh chóng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc nắm bắt, phòng trừ sâu keo mùa thu. Tổ chức các lớp tập huấn về các biện pháp chỉ đạo phòng trừ cho cán bộ kỹ thuật Trung tâm BVTV vùng, Chi cục Trồng trọt và BVTV 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh đó, giao cho 4 Trung tâm BVTV vùng tiến hành nghiên cứu nhanh một số đặc điểm sinh học, sinh thái chính, các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu. Trong đó, tập trung các biện pháp sử dụng bẫy mồi, bẫy bả các loại để diệt sâu trưởng thành; xác định thành phần ký sinh, hiệu lực một số thuốc BVTV, chế phẩm sinh học và các loại máy phun rải thuốc…
Tuy nhiên, việc phòng chống sâu keo mùa thu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn như: Các thuốc BVTV hiệu quả cao với sâu keo mùa thu tuổi 1 - 2, nhưng khi trưởng thành sâu keo mùa thu có thời gian sống khá dài, đẻ trứng rải trong khoảng 2 tuần. Trong cùng thời điểm sâu non có nhiều tuổi khác nhau dẫn đến hiệu quả của thuốc bị giảm. Ở một số địa phương có địa hình đồi núi, độ dốc lớn hoặc xa nguồn nước rất khó khăn khi nông dân phun trừ sâu keo mùa thu.
Thời vụ trồng ngô kéo dài, liên tục xuống giống (ở 1 số vùng, ngô trồng quanh năm), dẫn đến nguồn sâu keo mùa thu lây lan từ vụ trước sang vụ sau.
Theo Bà Alison, Trưởng Ban Thư ký Kế hoạch hành động của ASEAN, chương trình hành động quản lý sâu keo mùa thu là chương trình vì sự phát triển bền vững của nông dân Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung.
Hệ thống BVTV cơ sở (huyện) thay đổi, dẫn đến khó khăn cho công tác điều tra phát hiện và chỉ đạo phòng chống...
Bà Alison, Trưởng Ban Thư ký Kế hoạch hành động của ASEAN cho biết: Dự án là cơ hội để hiểu, giám sát, kiểm soát sâu keo mùa thu theo cách thức có trách nhiệm với môi trường. Đồng thời, đây là chương trình hành động vì sự phát triển bền vững của nông dân Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung.
Sâu keo mùa thu hiện nay không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà mang tính xuyên biên giới. Do đó, dự án triển khai tại Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong kế hoạch hành động của ASEAN, trên cơ sở những kết quả thu được sẽ tiến hành nhân rộng ra các quốc gia khác.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề xoay quanh các giải pháp phòng trừ hiệu quả sâu keo mùa thu đang được triển khai hiện nay như: Bẫy bả, bẫy pheromone diệt sâu trưởng thành; ký sinh trứng; ngắt, giết ổ trứng; thiên địch tiêu diệt sâu non; phun thuốc khi sâu tuổi 1 - 2; sử dụng giống kháng nhiễm...
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp phòng trừ hiệu quả sâu keo mùa thu hiện nay.
Các đại biểu đều thống nhất rằng, muốn nâng cao hiệu quả phòng trừ loại sinh vật gây hại này, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân nâng cao kiến thức, nhận thức trong phòng chống, quản lý sự phát sinh gây hại của sâu keo mùa thu; áp dụng tổng hợp các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); bám sát đồng ruộng, xử lý sớm, ngay từ giai đoạn ấu trùng…
Về dài hạn, thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo sớm sâu keo mùa thu giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; áp dụng công nghệ thông tin 4.0 vào dự báo (viễn thám cảnh báo); áp dụng IPM, IPHM vào sản xuất ngô (giống chống chịu, nhân thả ong ký sinh, bọ đuôi kìm…).
Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: Mục tiêu cao nhất mà chương trình hành động lần này hướng tới là giúp người nông dân có kiến thức, kỹ năng, giải pháp tối ưu phòng chống không chỉ sâu keo mùa thu mà còn cả các loại sinh vật gây hại khác thường xuyên phải đối mặt trên đồng ruộng.
“Nông dân Việt Nam cần được tiếp cận với kiến thức mới về phòng chống dịch hại trên cây trồng, được đào tạo bằng các phương pháp tiếp cận và công nghệ mới nhất, đảm bảo họ có thể tự bảo vệ được cây trồng và sinh kế của mình, từ đó an tâm sản xuất, phát triển bền vững”, ông Nguyễn Qúy Dương nhấn mạnh.
Các thuốc BVTV đạt hiệu quả cao trong phòng trừ sâu keo mùa thu tuổi 1 - 2.
Cũng theo ông Dương, hiện ngành BVTV Việt Nam rất quan tâm đến việc sử dụng công nghệ, thuốc BVTV phù hợp và có trách nhiệm trong kiểm soát sâu bệnh hại cây trồng với chi phí thấp nhất, hiệu quả và an toàn cao nhất.
Do đó, với tư cách là trưởng nhóm thực hiện kế hoạch hành động kiểm soát sâu keo mùa thu tại Việt Nam, Cục BVTV sẽ cùng với các đơn vị quyết liệt triển khai các hoạt động để xây dựng dự án trở thành hình mẫu, không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân Việt Nam mà còn lan tỏa, nhân rộng ra các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Qúy Dương lưu ý: Hiện nay, bằng nhiều biện pháp, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt sự phát sinh gây hại của sâu keo mùa thu. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan tới loài sinh vật gây hại này vẫn chưa được xác định rõ ràng, nguy cơ bùng phát thành dịch lớn hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, các địa phương không được chủ quan, lơ là, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân nắm chắc, hiểu đúng, áp dụng thành thạo các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ loài sinh vât gây hại này, đảm bảo sản xuất thắng lợi.