Xuất khẩu gạo đang thuận lợi

Xuất khẩu gạo đang thuận lợi
Thông tin Ấn Độ cùng Nga, UAE cấm xuất khẩu một số loại gạo đã tạo hiệu ứng tích cực cho ngành gạo Việt Nam.

Tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian vừa qua

Trong bối cảnh thị trường gạo có nhiều biến động, hàng tồn kho của các doanh nghiệp gạo tính tại thời điểm cuối quý II biến động trái chiều.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành. Tính đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn.

Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước. 

Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,8 triệu tấn, tương đương 2,6 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Dư địa cho xuất khẩu gạo 5 tháng cuối năm còn khoảng 2,7 triệu tấn.

Tránh mua gom ồ ạt gây mất cân đối thị trường

Bộ NN&PTNT dự báo từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu năm 2023 khoảng trên 15,1 triệu tấn, tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo. Như vậy, dư địa cho xuất khẩu gạo 5 tháng cuối năm còn 2,7 triệu tấn.

Trong bối cảnh hiện tại, đã có những cảnh báo được đưa ra nhằm tránh hiện tượng gom hàng ồ ạt.

Mới đây, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp cần tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Bộ Công Thương cho biết tình hình thị trường lúa gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá. Vì vậy, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung lúa gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng lúa gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu  gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Tại hội nghị về ngành gạo diễn ra cuối tuần trước,Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng ngành gạo tranh thủ thời cơ xuất khẩu nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảnh báo hiện một số nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan đều có động thái về cấm xuất khẩu gạo, vì vậy Việt Nam cần thận trọng.

Bởi nếu Việt Nam xuất khẩu quá đà cả về sản lượng và giá trị, chất lượng và thương hiệu gạo chưa chắc được đảm bảo, trong khi đó giá gạo xuất khẩu lại cao hơn. Điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ mất thị trường, khó có thể khôi phục lại. Do vậy, ngành gạo tranh thủ thời cơ xuất khẩu nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

"Trong lúc này thừa thế xông lên thì coi chừng gậy ông đập lưng ông. Một quốc gia nổi tiếng sản xuất lúa  gạo mà lại lâm vào tình trạng thiếu gạo, giá gạo lên quá cao, để người dân khổ thì không thể chấp nhận được", ông Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng ngành gạo phải xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng sản xuất (vùng trồng, người nông dân) với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, giữa các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo với nhau để tránh tình trạng bể kèo, tranh mua, tranh bán, tranh thị trường.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông báo đợt El-Nino đã vào Việt Nam từ tháng 6/2023. Dự báo nắng nóng, hạn hán sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm 2023 và kéo dài sang năm 2024, ảnh hưởng đến vụ lúa của các địa phương.

USDA dự báo sản lượng gạo 2022-2023 và 2023-2024 vẫn có thể kiểm soát được. Việt Nam thực tế đã trải qua El-Nino trong các vụ 2015-16 và 2019-2020 nhưng chỉ tác động nhẹ đến sản xuất lúa gạo.