Yêu cầu không lơ là việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi
Ngày 7/6, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đã khảo sát trực tiếp về công tác phòng, chống DTLCP tại 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Ông Cao Văn Hóa, GĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, đến 17h ngày 6/6, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 34 trường hợp nghi nhiễm bệnh DTLCP tại 16 xã của 5 huyện: Cái Bè, Cai Lậy, TX Cai Lậy, Chợ Gạo và Châu Thành.
Trong số 26 mẫu gửi đến Chi cục Thú y Vùng VI thì 14 trường hợp dương tính với DTLCP, 1 trường hợp âm tính và 11 trường hợp đang đợi kết quả. Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y Vùng 6 đã cho tiêu hủy trường hợp lợn nhiễm bệnh, trọng lượng 48.354 kg.
Thời gian tới để tăng cường công tác phòng chống DTLCP, UBND tỉnh Tiền Giang đã duyệt kinh phí 12,3 tỷ đồng phòng chống dịch bệnh, trong đó kinh phí phòng chống DTLCP 2 đợt là 6,3 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng cung cấp các vật tư phòng chống dịch về các địa phương như bảo hộ chống dịch, kẹp điện tiêu hủy heo, test nhanh và 10.000 lít thuốc sát trùng.
Hiện tại, các huyện có dịch đã ra quân toàn huyện thực hiện tiêu độc khử trùng, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 8/6. Tiếp tục thực hiện kiểm tra 24/24h tại các chốt kiểm dịch.
Hố chôn lợn bệnh
Hiện nay, xe từ các tỉnh ra vào mua lợn rất nhiều như Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng… Trong khi đó, các tỉnh này này đều có dịch cho nên nguy cơ lây lan mầm bệnh qua các phương tiện này là rất lớn. Mặt khác, đây là thời điểm giao mùa và các tỉnh ĐBSCL có hệ thống kênh rạch rất dày đặc nên rất khó vận chuyển. Thời gian tới nguy cơ dịch xâm nhiễm là rất cao.
Tại Bến Tre, ông Nguyễn Văn Buội, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh cho biết: Tính đến tháng 5/2019, đàn lợn của tỉnh có 536.761 con, với 21.652 hộ chăn nuôi. Tập trung tại các huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm.
Để tăng cường công tác phòng chống DTLCP, thời gian qua Bến Tre đã ban hành nhiều văn bản triển khai công tác, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh và triển khai 8 chốt chặn kiểm soát kịp thời dịch bệnh. Tổ chức 6 lượt kiểm tra về công tác phòng chống dịch tại các huyện chăn nuôi trọng điểm, thực hiện 2 đợt tiêu độc sát trùng trên quy mô toàn tỉnh với 14.879 lít hóa chất.
Chôn và tiêu huỷ lợn bênh
Qua khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp với các địa phương, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêu độc, khử trùng, không lơ là, chủ quantại các chốt kiểm dịch. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn thừa cho lợn, tinh dịch phối giống lợn. Đồng thời, vận động người dân không giấu dịch, khi phát hiện nghi ngờ dịch phải báo ngay với chính quyền để có hướng xử lý.
Nhất là khi có dịch bệnh xảy ra thì phải tiêu hủy dịch bệnh cho đúng tránh ô nhiễm môi trường, lây lan diện rộng. Bởi, đặc thù của vùng sông nước, khi đào hố chôn lấp quá sâu, sẽ bị ngập nước, nhưng nếu hố chôn nông quá sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường.
Thứ trưởng cho rằng, công tác phòng chống DTLCP là công tác lâu dài, cần phải kiên trì. Thứ trưởng đề nghị các địa phương phải rà soát lại phương án chăn nuôi. Đặc biệt, phải quan tâm, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu và thực hiện công tác phòng chống DTLCP.