Một số cách tăng khả năng đề kháng cho vật nuôi
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Đây là biện pháp hàng đầu để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, chế độ ăn phải đảm bảo đủ cả chất và lượng. Thông thường con vật bị đói, ăn uống không đủ chất lượng sẽ có nguy cơ mắc bệnh, sức đề kháng yếu. Với trâu, bò, nhất là bò sữa, cần cân đối lượng thức ăn tinh và thô xanh để cho ăn đầy đủ. Chú ý ủ thức ăn xanh hoặc ủ rơm với urê để dự trữ thức ăn mùa đông cho bò, mặt khác khi trâu, bò được ăn thức ăn ủ chua còn có tác dụng kích thích cho con vật ngon miệng, ăn tốt hơn. Để chủ động thức ăn mùa đông sắp tới, từ bây giờ người nuôi cần chú ý chăm sóc diện tích trồng cỏ, thu mua các loại cỏ thân cây ngô, cây họ đậu, rơm tươi, rơm khô sau thu hoạch. Bên cạnh chế độ ăn, cần đảm bảo đủ nước uống cho con vật, nước uống bổ sung một lượng muối nhất định, cho uống nước sạch, nếu trong ngày nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh cần cho uống nước ấm.
Tiêm phòng vaccine
Vaccine là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi được coi là một trong các biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Chương trình tiêm phòng cần được thực hiện dựa trên loài động vật nuôi và nguy cơ dịch bệnh tại địa phương. Đối với gia súc sinh sản, cần chú ý tiêm phòng vaccine đầy đủ để kháng thể của mẹ truyền qua sữa đầu cho gia súc non.
Thức ăn bổ sung
Lợi khuẩn (Probiotic): Đường ruột của vật nuôi khỏe thì khả năng tiêu hóa hấp thu thức ăn tốt, thành ruột ngăn ngừa hiệu quả độc tố và mầm bệnh, hệ miễn dịch ruột (chiếm 70 - 80% năng lực miễn dịch của cơ thể) sản sinh đầy đủ kháng thể để bảo vệ ruột và toàn bộ cơ thể. Lợi khuẩn là các vi sinh vật sống khi được đưa vào một lượng đủ có thể đem lại lợi ích sức khỏe cho vật chủ (FAO/WHO, 2001). Bổ sung lợi khuẩn làm tăng sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong hệ thống tiêu hóa, làm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, làm giảm số lượng của chúng và do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, các vi sinh vật có lợi tiết ra các enzyme tiêu hóa dinh dưỡng còn lại trong thực phẩm, do đó nâng cao hiệu quả sử dụng thực phẩm của động vật và tăng lợi nhuận. Các loại lợi khuẩn thường được sử dụng như: Lactobacillus, Lactococcus, Propionibacterium, Streptococcus thermophilus, Bifidobacterium, Bacillus.
Axit hữu cơ: Việc bổ sung axit hữu cơ trong nước uống hoặc thức ăn chăn nuôi làm giảm pH trong ruột, khiến môi trường không phù hợp với vi khuẩn có hại, do đó làm tăng sự phát triển của những loài có lợi khác. Axit hữu cơ tăng cường sự phát triển của động vật, ngăn ngừa bệnh tật và do đó làm giảm sự cần thiết của việc sử dụng kháng sinh. Các axit hữu cơ phổ biến được sử dụng như propionic, formic, lactic và butyric.
Vitamin: Đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể vật nuôi. Với nồng độ thấp nhưng vitamin có vai trò quyết định sự tồn tại của tất cả quá trình sống. Vitamin tham gia vào cấu trúc của các nhóm enzyme xúc tác các phản ứng sinh hóa trong quá trình đồng hóa, dị hóa, quyết định sự sinh trưởng, sinh sản và tính kháng bệnh của vật nuôi. Một vài loại vitamin không thể tự tổng hợp được trong ruột nên cần phải được bổ sung theo cách trộn lẫn vào thức ăn theo đường ăn, uống hoặc tiêm. Vitamin cần được bổ sung theo đúng nhu cầu của từng loại động vật và theo đúng lượng của từng loại vitamin.
Sử dụng thảo dược
Một số chế phẩm từ các loại cây thuốc khi bổ sung vào thức ăn chăn nuôi sẽ giúp vật nuôi tăng sức đề kháng tự nhiên. Bên cạnh đó nhiều loại thảo dược còn tạo ra được hiệu quả kích thích tiêu hóa (như tỏi và gừng), giúp gia tăng chất lượng sản phẩm (tinh dầu hồi và quế tạo mùi thơm). Một số cây thuốc nam có chứa thành phần phytoncid có khả năng ức chế tốt sự phát triển của vi khuẩn. Do vậy việc sử dụng các cây thuốc này có thể giúp hạn chế kháng sinh cho cả hai mục đích là phòng bệnh và điều trị nhiễm khuẩn.