Tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi để tránh 'ăn đong'

Tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi để tránh 'ăn đong'

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, cần xem xét, đánh giá nghiêm túc có hay không câu chuyện các doanh nghiệp "làm giá" thức ăn chăn nuôi, đồng thời hậu kiểm chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân từ 13-15%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Năm 2020, Việt Nam chi tới 6 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Từ nay đến cuối năm giá thức ăn chăn nuôi khó hạ 

Tại tọa đàm "Giải pháp phát triển nguyên liệu, tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc nhập khẩu," do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Báo Nông thôn ngày nay tổ chức chiều 21/10, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thời gian qua, ngành chăn nuôi có sự phát triển nhanh nhưng kém bền vững bởi thực chất là ngành "ăn đong" nguyên liệu thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định từ nay đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi khó có thể hạ xuống và còn ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng tiếp vì giá nguyên liệu thế giới chưa giảm. Đầu năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng tái đàn của bà con.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65-70% giá thành sản xuất. Mỗi năm, cả nước sử dụng từ 32-33 triệu tấn thức ăn cho các đối tượng chăn nuôi và thủy sản; trong đó hơn 7 triệu tấn là bà con tự phối trộn. Riêng chăn nuôi, thức ăn công nghiệp đạt gần 20 triệu tấn, cho thấy mức độ công nghiệp hóa ngành thức ăn chăn nuôi đang rất mạnh.

Lệ thuộc nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu

Việt Nam phải lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhưng trong nước lại có tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, có cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chưa được sử dụng hiệu quả.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phế phụ phẩm có nhiều vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đẩy mạnh dự án kinh tế tuần hoàn, sử dụng chế phẩm, phụ phẩm chăn nuôi.

Điển hình đối với rơm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án liên quan đến xử lý sau khi thu hoạch. Ngoài việc phối trộn làm thức ăn vụ Đông, rơm có thể sử dụng chế phẩm sinh học để trồng nấm, giá thể..., từ đó nâng cao giá trị.

Để phát triển, nhân rộng diện tích trồng ngô sinh khối, ngoài các dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các địa phương cũng đang ưu tiên nguồn ngân sách để hỗ trợ nông dân trồng ngô sinh khối. Với nhu cầu thực tế ngô sinh khối hiện nay, bà con nông dân tham gia tạo thành các tổ, nhóm.

Tuy nhiên, hiện nay, giá sản phẩm chăn nuôi đang giảm, sự quan tâm của bà con nông dân cũng giảm đi.

Bà Hạ Thúy Hạnh cho rằng hiện nay, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ rất lớn, với quy mô chăn nuôi nông hộ bà con có thể tận dụng thức ăn tại chỗ. Việc tận dụng tốt phế phụ phẩm tại chỗ sẽ mang lại rất hiệu quả cho ngành nông nghiệp.

Các nông hộ cần tận dụng diện tích để trồng ngô sinh khối hoặc trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi. Người chăn nuôi có thể áp dụng các gói kỹ thuật cân đối khẩu phần thức ăn đồng thời, tăng cường các giải pháp như chăn nuôi an toàn sinh học, vaccine.

Cấu thành trong giá thành thức ăn chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh cho rằng khâu vận chuyển và bao gói đang chiếm tỷ lệ chi phí lớn. Nếu các trang trại chăn nuôi lớn sử dụng xe chuyên dụng, xe xitéc chuyển thức ăn từ doanh nghiệp xuống chuồng trại sẽ tiết kiệm từ 10-20%. Điều này cũng giúp giảm khâu trung gian trong giá thức ăn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Thức ăn chăn nuôi

Chăn nuôi vịt.

Bộ Tài chính đã tiếp thu và đưa vào dự thảo đang xây dựng, hi vọng nghị định sớm được ban hành để giảm giá thành thức ăn công nghiệp. Các bộ, ngành cần xem xét thậm chí loại bỏ một số phí và lệ phí, điển hình như phí hợp quy về thức ăn chăn nuôi.

Đánh giá nghiêm túc có hay không việc "làm giá" thức ăn chăn nuôi

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng cần xem xét, đánh giá nghiêm túc có hay không câu chuyện các doanh nghiệp "làm giá" thức ăn chăn nuôi, đồng thời hậu kiểm chất lượng thức ăn chăn nuôi. Hiệp hội nhận được một số phản ánh của các hộ chăn nuôi giá thức ăn tăng nhưng chất lượng thức ăn giảm vì chi phí thức ăn cao hơn, hệ số tiêu tốn thức ăn tăng lên.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, nếu còn "ăn đong" nguyên liệu thì giá thành chăn nuôi của Việt Nam vẫn cao và vẫn lệ thuộc. Do đó, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, trong đó có mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và từng sản phẩm nguyên liệu cùng với giải pháp về vốn tín dụng ưu đãi, thuế, đất đai, khoa học công nghệ...

"Có thể chuyển trồng một số giống lúa chất lượng thấp nhưng có năng suất cao để làm thức ăn chăn nuôi; đưa ngô sinh khối, ngô biến đổi gene vào sản xuất; tận dụng nguồn cám gạo làm nguyên liệu thức ăn. Hay phải tăng diện tích trồng đỗ tương; ứng dụng công nghệ vào sản xuất bột cá nhạt để phát triển nhóm nguyên liệu giàu đạm trong nước…," ông Nguyễn Thanh Sơn chỉ ra.

Hiện Bộ NN&PTNN giao Cục Chăn nuôi xây dựng dự thảo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021-2030; trong đó có giải pháp rất quan trọng là tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp với khối lượng lên đến hàng trăm triệu tấn.

Theo các diễn giả, giải pháp quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là các địa phương cần cho mở cửa đồng loạt để thông thương, giúp chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu cũng như các chi phí cấu thành nên giá sản phẩm./.